Vì sao phải quy định chặt chẽ về thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô?

HUYỀN SÂM
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1.800 - 2.000 vụ TNGT liên quan tới trẻ em. Theo các chuyên gia, nếu quy định sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ được áp dụng hiệu quả, có thể kéo giảm tới 400 - 500 vụ trẻ em bị chấn thương đặc biệt nghiêm trọng hoặc thiệt mạng trên ô tô.

Thực trạng đau lòng

Theo các chuyên gia, tai nạn giao thông cùng với đuối nước là hai nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ ở nước ta. Trong vòng 10 năm trở lại đây, mỗi năm cả nước có khoảng gần 2.000 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông.

Đã có một số vụ tai nạn đau lòng như: ngày 24/02/2021, tại Lâm Đồng, một ô tô 7 chỗ khi xuống dốc đã va chạm trực diện vào lan can bê tông khiến 4 người trong một gia đình trên xe bị thương nặng. Quá trình đưa đến Bệnh viện II Lâm Đồng (TP Bảo Lộc) cấp cứu, cháu L.T.H. (7 tuổi) đã tử vong.

Ngày 14/07/2023 một vụ tai nạn xảy ra giữa 1 xe tải và 1 xe ô tô 4 chỗ trên địa bàn tỉnh Nam Định, trên xe 4 chỗ có 2 phụ nữ và 2 bé gái nhỏ. Cú va chạm mạnh đã khiến nữ tài xế và 1 cháu bé tử vong.

Đó chỉ là hai trong nhiều trường hợp cho thấy các rủi ro có thể dẫn tới thương tích với trẻ em trên xe ô tô khi không có thiết bị đảm bảo an toàn.

Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng, chống chấn thương (Đại học Y tế công cộng) cho thấy, chỉ 1,3% xe có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ, trong đó, tỷ lệ này ở Hà Nội là 2,6%, tại TP Hồ Chí Minh là 1,1% và Đà Nẵng là 0%.

Theo đánh giá của các chuyên gia ATGT, các thiệt hại trên có thể phòng tránh và giảm thiểu rất nhiều nếu trẻ em trên xe ô tô trên được bảo vệ bởi thiết bị an toàn phù hợp.

Báo cáo của Hiệp hội ATGT đường bộ toàn cầu (GRSP) cho thấy, thiết bị an toàn cho trẻ em có thể giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong (34% - 81%), giảm các chấn thương nghiêm trọng (35-72%) và các chấn thương khác của trẻ (25 - 58%) trong các vụ va chạm giao thông.

Với trẻ sơ sinh (dưới 2 tuổi), dùng ghế nôi hướng về phía sau xe giảm rủi ro tử vong hoặc chấn thương nặng tới 90% so với trẻ không có thiết bị an toàn.

Vi sao phai quy dinh chat che ve thiet bi an toan cho tre tren o to? - Hinh anh 1
Thiết bị an toàn phù hợp trên xe ô tô là cần thiết để tránh nguy hiểm cho trẻ em trong quá trình tham gia giao thông. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khi tham gia giao thông bằng ô tô, ghế sau là vị trí an toàn nhất cho trẻ. Hiện nay trên thế giới có 115 nước đã có luật cấm trẻ em ngồi ghế trước, trong đó có 70 nước cấm hoàn toàn và 45 nước cấm nhưng cho phép trẻ ngồi ghế trước nếu có thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô.

Dây an toàn trên xe ô tô có tác dụng giảm 70% chấn thương nghiêm trọng và giảm 40% khả năng tử vong với hành khách trên xe. Tuy nhiên do dây an toàn chỉ được thiết kế cho người trưởng thành có chiều cao đứng từ 148cm, do đó, thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô bao gồm: Nôi trẻ em sơ sinh (< 2 tuổi); ghế trẻ em nhỏ (cho trẻ từ 2-6 tuổi); và các loại đệm nâng (cho trẻ từ 6-10 tuổi) là hết sức cần thiết.

Cần sớm luật hóa

An toàn giao thông cho trẻ em là vấn đề cấp thiết và cấp bách cần được gia đình, nhà trường và toàn xã hội quan tâm trong bối cảnh tai nạn giao thông diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tại Việt Nam hiện nay chưa quy định về việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô và cả xe máy.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần hoàn thiện khung pháp lý cụ thể, chặt chẽ để bảo vệ trẻ em tốt hơn khi tham gia giao thông.

Trong kỳ họp sắp tới Quốc hội dự kiến sẽ xem xét thông qua Luật Đường bộ và Luật Trật tự ATGT đường bộ. Trong đó có nhiều dự thảo nâng cao ATGT tiệm cận với các quốc gia tiên tiến.

Về lĩnh vực bảo vệ trẻ em, có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô và đai chở trẻ em trên xe máy.

Theo tiến sỹ Trần Hữu Minh – Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia: “Bố mẹ khi chở con em dưới 13 tuổi, dưới 1m3 hoặc dưới 30kg thì phải dùng ghế của trẻ em. Những thực nghiệm cho thấy khi dùng ghế chuyên dụng cho trẻ em có thể giảm đến 43% rủi ro dẫn đến các chấn thương nặng”.

Rất nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay đã thể chế quy định về thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô vào quy định của phát luật. Trong khu vực ASEAN, đã có khá nhiều quốc gia áp dụng quy định này như Singapore, Malaysia; Philipine; Campuchia; Lào…

Theo thống kê sơ bộ, một năm có khoảng 500.000 trẻ em Việt Nam từ 1-10 tuổi tiếp cận với xe ô tô cá nhân. Do đó, nhiều đại biểu cũng đề xuất, Dự thảo Luật Trật tự ATGT đường bộ cần xem xét tiếp tục hoàn thiện quy định liên quan thiết bị an toàn cho trẻ em.

Luật nên quy định rõ việc cấm trẻ em không được ngồi hàng ghế phía trước (trừ xe có một hàng ghế); "Trẻ em cao dưới 135cm và dưới 10 tuổi phải được chở trên xe ô tô con cá nhân bằng thiết bị an toàn dành cho trẻ em". Đồng thời, có quy định chặt chẽ về mũ bảo hiểm trẻ em thông qua ban hành tiêu chuẩn chất lượng mũ bảo hiểm phù hợp cho từng lứa tuổi trẻ em; tăng cường tuyên truyền, giáo dục trẻ em về tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm…

Trong bối cảnh ô tô gia tăng nhanh, hạ tầng giao thông được cải thiện và tốc độ giao thông ngày càng cao tầm quan trọng của việc luật hóa quy định trên càng cấp thiết. Nếu quy định sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em được áp dụng hiệu quả, theo các chuyên gia có thể kéo giảm tới 400-500 vụ trẻ em bị chấn thương đặc biệt nghiêm trọng hoặc thiệt mạng trên ô tô mỗi năm.

Tin liên quan