Vì sao tài xế ô tô cá nhân thường say xỉn hơn tài xế chuyên nghiệp?

 
Chia sẻ

Có một thực tế là những tài xế chuyên nghiệp lại có ý thức cao hơn hẳn so với những tài xế ô tô cá nhân trong việc chấp hành quy định không sử dụng rượu bia khi lái xe. Chỉ đến khi mức xử phạt đối với hành vi này được tăng nặng, nhiều lái xe cá nhân mới “giật mình”.

Vi sao tai xe o to ca nhan thuong say xin hon tai xe chuyen nghiep? - Hinh anh 1
Những người tham gia giao thông có những biểu hiện nghi vấn sẽ được lực lượng CSGT thử nồng độ cồn bằng thiết bị máy móc hiện đại. Ảnh: Diên Thành

10 ngày xử phạt 3.785 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 12,5 tỷ đồng

 Từ 01/01/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, chính thức có hiệu lực, nghiêm cấm toàn bộ hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong người.

Cùng với đó, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn cũng tăng nặng với mức phạt cao nhất đối với người điều khiển xe ôtô từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.

Được biết, từ 01-09/01 lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 3.785 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 12 tỷ 549,6 triệu đồng. Trong đó, một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn cao như: Tây Ninh 308 trường hợp, Đắk Lắk 214 trường hợp, Bắc Giang 203 trường hợp, TP Hồ Chí Minh 182 trường hợp, Vĩnh Phúc 145 trường hợp, Quảng Ninh 135 trường hợp, Gia Lai 133 trường hợp, Hà Nội 129 trường hợp, Thanh Hoá 114 trường hợp, Hà Tĩnh 101 trường hợp, Đồng Nai 99 trường hợp, Cà Mau và Nghệ An 96 trường hợp, Trà Vinh 93 trường hợp, Bình Phước 89 trường hợp và Yên Bái 86 trường hợp…

Một số tài xế sau khi bị kiểm tra cho biết:

“Tác hại của rượu bia khi lái xe thì ai cũng biết, điều khiển phương tiện không chuẩn, dẫn đến va quệt và gây ra tai nạn”.

“Tôi chỉ uống một chai bia, cách đây 2 tiếng cơ. Biết là vi phạm luật nhưng vì công việc nên vẫn uống. Sau hôm nay tôi sẽ rút kinh nghiệm”.

“Tôi có sử dụng rượu bia nhưng nồng độ cồn không vượt quá quy định. Tôi thấy việc kiểm tra và xử phạt như thế này là cần thiết nhằm nâng cao ý thức của mọi người, tránh trường hợp say rượu gây ra những tai nạn không đáng có. Quan trọng là chúng ta cần tự nhận thức được là uống ít, vẫn đủ tỉnh táo khi lái xe, nhưng tốt nhất là đã tham gia giao thông thì không lái xe”.

Cục CSGT nhận định, việc cấm triệt để sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, bổ sung các hành vi mới và nâng mức xử phạt đối với các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn theo quy định mới là rất đồng bộ, kịp thời trước những phức tạp của tình hình trật tự ATGT hiện nay.

Những người tham gia giao thông có những biểu hiện nghi vấn sẽ được lực lượng CSGT thử nồng độ cồn bằng thiết bị máy móc hiện đại. 

Thiếu tá Nguyễn Quang Nam Đội CSGT số 4, Công an TP.Hà Nội cho biết: Trong dịp cuối năm, lực lượng chức năng đặc biệt chú ý xử phạt các lỗi vi phạm như nồng độ cồn, vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm. Đây được xem là những nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông.

“Trong việc xử lý nồng độ cồn, chúng tôi gặp phải một số khó khăn như nhiều trường hợp người vi phạm tìm đủ mọi cách để chống chế việc kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng chức năng hoặc tìm những cung đường không có lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát để di chuyển nhằm trốn tránh việc kiểm tra”, Thiếu tá Nguyễn Quang Nam cho biết thêm.


Đáng chú ý, theo lực lượng chức năng, qua tiến hành xử phạt, số trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn là tài xế điều khiển xe cá nhân cao hơn nhiều so với các tài xế chuyên nghiệp.

"Đánh vào túi tiền" để thay đổi hành vi

Chị Nguyễn Trang (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, hàng ngày, chị thường được chồng đưa tới cơ quan bằng ô tô riêng. Vào thứ Sáu tuần trước, anh có tiệc liên hoan tất niên cùng bạn bè nên nhắn chị chiều tự thuê xe để về nhà. Biết chắc là chồng sẽ say xỉn với bạn bè nhưng chị vẫn không có ý thức về việc nhắc nhở cho đến khi biết thông tin đồng nghiệp cùng cơ quan mới bị phạt 38 triệu đồng vì vi phạm nồng độ cồn.

“Ngay lập tức, tôi đã gọi điện cho ông xã và bảo sẽ qua cơ quan lấy xe ô tô về nhà. Còn sau khi uống với bạn bè xong thì anh ý gọi xe về nhà, vừa an toàn mà cũng đỡ bị phạt nếu chẳng may bị CSGT kiểm tra”, chị Trang thật thà chia sẻ.

Mới đây nhất, vào tối qua (9/1), ông Hoàng Đình Th. hiện đang giữ chức Phó trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) cũng đã bị phạt 35 triệu đồng, tước bằng lái xe 23 tháng do vi phạm quy định về nồng độ cồn, điều khiển xe ô tô khi vừa uống rượu, bia.

Vi sao tai xe o to ca nhan thuong say xin hon tai xe chuyen nghiep? - Hinh anh 2
Ông Th. bị phạt vì vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Báo Quảng Bình

Có thể thấy, đa phần các tài xế xe cá nhân vẫn khá dễ dãi trong việc chấp hành quy định của pháp luật về sử dụng rượu bia khi lái xe. Nhiều ý kiến cho rằng việc kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng chức năng còn chưa thường xuyên, cùng với đó mức xử phạt chưa đủ tính răn đe, vẫn nằm trong mức có thể chi trả của nhiều tài xế.

Dưới góc độ xã hội học, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, những lái xe chuyên nghiệp là những người có nhiều năm kinh nghiệm, đa phần đã hình thành ý thức “lên xe là không uống rượu bia” bởi nhiều lý do, trước hết công việc lái xe là “cần câu cơm” của họ, họ có sự ràng buộc với doanh nghiệp về trách nhiệm và sẽ phải chịu hình thức kỷ luật, thậm chí bị nghỉ việc nếu vi phạm. Bên cạnh đó, do phải làm việc với cường độ cao nên các tài xế chuyên nghiệp cần sự tỉnh táo tuyệt đối vì thế mà họ “tự nguyện” tránh xa bia rượu.

Trong khi đó, các tài xế cá nhân ý thức chưa cao, nhờn luật, vì vậy, việc tăng mức xử phạt đối với hành vi uống rượu bia khi điều khiển phương tiện là rất cần thiết.

“Mỗi tài xế khi ngồi lên ô tô là phải xác định mình đang nắm trong tay tính mạng của bản thân và rất nhiều người tham gia giao thông khác để tự ý thức không được sử dụng rượu bia. Nhất là bây giờ nếu bị kiểm tra thì sẽ bị xử phạt rất nặng. Việc tăng nặng mức phạt, đánh trực tiếp vào túi tiền sẽ khiến các lái xe sợ mà thay đổi hành vi, dần dần hình thành thói quen cứ uống rượu bia là không lái xe”, ông Trịnh Trung Hòa cho biết.

Ông Trịnh Trung Hòa cũng lấy ví dụ việc xử phạt không đội mũ bảo hiểm, thời gian đầu cũng có rất nhiều người vi phạm, tuy nhiên, sau một thời gian tiến hành xử phạt nghiêm, người dân đã dần hình thành thói quen đội mũ khi điều khiển xe máy.

Do đó, với quy định mới này, ông Hoà cho rằng cần xử lý kiên quyết, triệt để, nghiêm khắc và thường xuyên để tăng tính răn đe, từ đó sẽ xây dựng ý thức chấp hành quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cho người dân.

Theo VOV Giao thông

Tin liên quan