|
Nơi xảy ra sự việc có sự có mặt của nhiều lực lượng an ninh sân bay (Ảnh cắt từ clip). |
Thế nhưng, sự thiếu quyết liệt của những nhân viên an ninh ở đây đã khiến sự việc vừa không được ngăn chặn kịp thời mà còn khiến bản thân họ cũng trở thành nạn nhân bị hành hung. An toàn an ninh sân bay thực sự đáng báo động.
“Ăn đòn” vì không chụp ảnh chung
Khoảng 14 giờ ngày 23/11, chị Lê Thị Giang – nhân viên của Hãng hàng không Vietjet Air đang làm nhiệm vụ tại sảnh ga đi của Sân bay Thọ Xuân thì ba đối tượng Phạm Hữu An (SN 1990, trú tại phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa); Lê Văn Nhị (SN 1977) và Lê Trung Dũng (SN 1984), cùng trú tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đi vào sảnh để tiễn người quen là Nguyễn Sỹ Mạnh (đi chuyến bay VN1217, dự kiến cất cánh lúc 15 giờ 5).
Ba đối tượng An, Nhị và Trung đã nhờ chị Giang chụp ảnh giúp tại khu vực sảnh ga đi và chị Giang vui vẻ nhận lời. Sau đó, khi các đối tượng này yêu cầu chị Giang chụp ảnh chung với mình thì nữ nhân viên hàng không trên đã từ chối với lý do bận việc.
Lập tức, An, Nhị và Trung lớn tiếng chửi mắng rồi lao vào tát chị Giang. Chứng kiến sự việc trên, bà Lê Thị Hiền – đại diện Vietjet Air đã chạy tới can ngăn liền bị 3 đối tượng hành hung. Chưa dừng lại ở đó, hai nhân viên kiểm soát an ninh tại sân bay Thọ Xuân là Trịnh Ngọc H. và Vũ Quốc H. chạy đến can thiệp cũng bị nhóm đối tượng này tấn công, hành hung.
Vừa “ra đòn” các đối tượng này vừa chửi bới vô cùng thô tục và thiếu văn hóa. Sự việc chỉ dừng lại khi Cơ quan An ninh cảng và Công an huyện Thọ Xuân có mặt, không chế được các đối tượng hung hãn này.
Ngày 24/11, Bộ GTVT có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, Công an tỉnh Thanh Hóa và Cục Hàng không Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh, có biện pháp thích đáng đối với những đối tượng có hành vi côn đồ trong vụ việc nêu trên. Đồng thời, có các biện pháp tăng cường phối hợp với lực lượng kiểm soát an ninh hàng không tại Sân bay Thọ Xuân đảm bảo tốt an ninh trật tự, an ninh hàng không, ứng phó xử lý kịp thời các tình huống tương tự.
Một ngày sau đó, Cục Hàng không Việt Nam ra quyết định cấm bay 12 tháng (từ 26/11/2018 đến hết ngày 25/11/2019) đối với Phạm Hữu An, Lê Văn Nhị và Lê Trung Dũng. Sau thời hạn này, các đối tượng trên sẽ phải chịu kiểm tra trực quan bắt buộc 12 tháng tiếp theo nếu đi máy bay (tính từ ngày 26/11/2019 đến hết ngày 25/11/2020). C
ũng trong ngày 25/11, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 đối tượng An, Nhị và Dũng về hành vi “Gây rối trật tự nơi công cộng”.
Nhân viên an ninh sân bay thiếu trách nhiệm
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Ngô Trí Long – Chuyên gia Kinh tế - Giao thông khẳng định, sự việc xảy ra tại Sân bay Thọ Xuân có một phần lỗi rất lớn từ lực lượng an ninh sân bay. Sau khi sự việc xảy ra, phản ứng của lực lượng an ninh sân bay là quá chậm. Theo PGS.TS Ngô Trí Long, tại tất cả các sân bay luôn thường trực lực lượng an ninh rất đông đảo, được huấn luyện nghiệp vụ chuyên nghiệp.
Trong đó, khu vực sảnh đi sân bay là nơi kiểm soát an ninh luôn có sự xuất hiện của ba lực lượng: An ninh soi chiếu, an ninh nhà ga và an ninh cơ động. Riêng lực lượng an ninh cơ động là lực lượng được vũ trang (có mặc áo giáp và trang bị dùi cui điện). Sự việc diễn ra ngay tại sảnh ga đi của Sân bay Thọ Xuân, nếu quyết liệt trong công tác nghiệp vụ, lực lượng an ninh tại đây hoàn toàn có đủ điều kiện và khả năng để can thiệp và ngăn chặn kịp thời những đối tượng côn đồ trên chứ không phải để sự việc đi quá xa như vậy.
“Cái này không chỉ đơn thuần là chậm trễ mà là nhu nhược, thiếu trách nhiệm. Lực lượng an ninh ở Sân bay Thọ Xuân đã không làm tròn nhiệm vụ của mình. Đặc biệt, để mấy đối tượng côn đồ hành hung một người phụ nữ trước sự chứng kiến của bao nhiêu người như thế thì hình ảnh của ngành hàng không sẽ như thế nào” - PGS.TS Ngô Trí Long nói.
Sự việc xảy ra ở Sân bay Thọ Xuân vừa qua không phải là sự cố đầu tiên tại các sân bay mà nguyên nhân bắt nguồn từ yếu kém, chậm trễ của lực lượng an ninh hàng không. Trước đó, trong 2 năm 2015 và 2017, tại Sân bay Tân Sơn Nhất từng xảy ra hai vụ trộm cắp tài sản trong khu vực sân bay. Các đối tượng trong những vụ việc trên đã vượt qua được hàng rào an ninh, đột nhập vào trong sân bay tháo trộm đèn tim đường lăn khu bay và lấy trộm hàng trăm cây vải tại nhà kho chứa vải ở khu vực sân bay mang đi bán.
Gần đây nhất, vào ngày 3/3/2018, một nam thanh niên cũng qua mặt được cả nhiều lớp an ninh sân bay ở Cảng Hàng không Sân bay Vinh và vào tận chân máy bay. Nếu các tiếp viên hàng không không phát hiện kịp thời, nam thanh niên này đã có thể đột nhập vào trong máy bay. Khi đó không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, sự việc vừa xảy ra tại Sân bay Thọ Xuân chính là tiếng chuông cảnh bảo về công tác đảm bảo an ninh hàng không tại các sân bay. Đã đến lúc, ngành hàng không cần thực hiện cuộc tổng kiểm tra toàn bộ hệ thống an ninh tại các sân bay, từ hạ tầng đến trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ an ninh để tránh những sự việc tương tự có thể xảy ra trong tương lai. “Khu vực sân bay là một trong những nơi cần được đảm bảo an ninh tuyệt đối mà lại để xảy ra rất nhiều sự việc mất an ninh, an toàn bay như thế này là rất nguy hiểm” - PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định.
"Đúng ra, khi sự việc được phát hiện, là người thực thi pháp luật, lực lượng an ninh sân bay phải can thiệp theo trách nhiệm, giữ gìn an ninh trật tự khu vực nhà ga, khu vực an toàn bay. Tuy nhiên, hình ảnh được ghi lại cho thấy lực lượng an ninh phản ứng chưa kịp thời." - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Anh Tuấn
"Cần phải sa thải những nhân viên an ninh sân bay không làm tròn nhiệm vụ, để xảy ra sự việc ở Sân bay Thọ Xuân vừa qua. Cảng Hàng không Sân bay Thọ Xuân cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Ngoài ra cũng cần xem xét cả trách nhiệm của lãnh đạo Cảng Hàng không Sân bay Thọ Xuân, quản lý, tuyển dụng, sử dụng người như thế nào mà để xảy ra như thế? Có như thế mới đảm bảo tính nghiêm minh." - PGS.TS Ngô Trí Long