Vụ xe BMW va chạm với Mercedes tại TP Hồ Chí Minh: Tại anh - tại ả

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Gần đây, vụ việc chiếc xe BMW X4 va chạm với Mercedes-Benz GLC 250 tại quận 7 (TP Hồ Chí Minh) khiến dự luận quan tâm. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, không có lái xe nào hoàn toàn đúng trong tình huống trên.

Vu xe BMW va cham voi Mercedes tai TP Ho Chi Minh: Tai anh - tai a - Hinh anh 1
Hai chiếc xe sang va chạm với nhau vào ngày 17/6 tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh. Ảnh cắt từ clip 

Va chạm do quá chủ quan

 

 Trong đoạn video ghi lại cảnh va chạm, chiếc xe màu đỏ hiệu Mercedes-Benz GLC 250 rõ ràng đã thiếu quan sát khi nhập làn. Tuy vậy, mọi chuyện đã không xảy ra tệ đến thế nếu lái xe BMW quan sát và giảm tốc độ. Cả hai lái xe đã không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ và những quy tắc lái xe an toàn cơ bản.

 

Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - nguyên Tổ trưởng Xử lý vi phạm thuộc Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) nhận định, ở tình huống trên, người điều khiển phương tiện xe BMW đã thiếu quan sát dẫn tới va quệt.

 

Trong khi người điều khiển chiếc xe Mercedes màu đỏ khi di chuyển từ vị trí đỗ xe ra đã đi chậm và có bật tín hiệu xin đường các phương tiện phía sau. Thượng tá Quỹ nói: “Nếu chiếc xe BMW chú ý quan sát sẽ phát hiện ra và nhường đường cho xe màu đỏ”.

 

Mặt khác, ông Quỹ cũng cho rằng, người điều khiển xe màu đỏ cũng rất thiếu quan sát. “Trước khi cho xe di chuyển khỏi nơi đỗ để tham gia vào làn đường xe chạy phải quan sát gương chiếu hậu phải đảm bảo an toàn tuyệt đối khi không có phương tiện tham gia giao thông phía sau mới được đi ra.”

 

Trên đoạn video cũng thể hiện rõ, chiếc BMW X4 đã nhập làn trước và di chuyển ổn định trên đường, sau đó khoảng 6 giây thì chiếc Mercedes GLC250 cũng nhập làn. Trong thời gian đó, lái xe chiếc Mercedes này hoàn toàn có thể nhìn gương chiếu hậu và quan sát thấy có xe đang đi lên.

 

Trên một số diễn đàn mạng xã hội trong vài ngày gần đây cũng diễn ra những tranh cãi nảy lửa về chuyện ai đúng – ai sai trong tình huống nay. Tuy vậy, đa số đều thừa nhận cả hai lái xe đều có phần lỗi của mình.

 

Ông Nguyễn Hồng Vinh – Chuyên gia lái xe an toàn cũng cho rằng, mọi chuyện đã không xảy ra tệ đến thế nếu lái xe BMW quan sát và giảm tốc độ.

 

"Cả người đàn ông điều khiển chiếc BMW và người phụ nữ lái chiếc Mercedes đều đã quá chủ quan trong tình huống va chạm nói trên", ông Vinh nhận định.

 

Vu xe BMW va cham voi Mercedes tai TP Ho Chi Minh: Tai anh - tai a - Hinh anh 2
Hai chiếc xe phải sửa hết số tiền hàng trăm triệu 

Nên xử lý dân sự

 

Nhiều lái xe có kinh nghiệm cho rằng, ngoài việc tập trung lái xe, tuân thủ đúng Luật thì văn hóa nhường đường trong một số tình huống cũng cần được để tâm nhằm tránh những va chạm không cần thiết.

 

Luật sư Dương Đức Thắng – Phó Giám đốc Công ty Luật Myway, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trong vụ va chạm này, nếu chiếu theo Luật Giao thông đường bộ thì cả hai xe đều có phần sai.

 

Ông Thắng diễn giải: Đối với xe Mercedes màu đỏ, nữ tài xế có hành vi nhập làn đường mà không quan sát. Điều này vi phạm quy định tại Điều 13 Luật Giao thông đường bộ.

 

Theo quy định chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép, khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải đảm bảo an toàn. Trong video, xe màu đỏ chuyển làn có tín hiệu đèn nhưng không đảm bảo an toàn.

 

Về phía chiếc BMW, chiếc xe này cũng mới nhập làn và đang di chuyển trên đường. Tuy nhiên, khi phát hiện chướng ngại vật (là chiếc xe Mercedes đang có tín hiệu xin chuyển làn) thì không giảm tốc độ hoặc có thể dừng lại một cách an toàn theo Điều 12 Luật Giao thông đường bộ.

 

Còn theo Điều 14 Luật Giao thông đường bộ, nếu chiếc xe này muốn vượt thì buộc phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi và chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước.

 

Vụ va chạm kể trên không gây thiệt hại về người, sức khỏe những người ngồi trên 2 chiếc xe không bị ảnh hưởng. Cơ quan chức năng đang vào cuộc để có kết luận chính thức.

 

Tuy vậy, vụ việc tưởng chừng khá đơn giản lại đang được các bên “đẩy” lên khá nóng xoay quanh việc ứng xử với va chạm của các bên, từ một va chạm giao thông dẫn tới có thể trở thành một vụ mang dấu hiệu hình sự với hành vi “vô ý gây hậu quả nghiêm trọng”.

 

“Các bên cần kiềm chế hơn. Vụ việc này nên giải quyết dân sự, trên tinh thần tuân thủ các quy định pháp luật và tôn trọng quyền lợi của nhau”, Luật sư Dương Đức Thắng nhận định.

 

Theo Khoản 7, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, Các hành vi: Dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, tránh xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông; không đi đúng phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông sẽ,… bị phạt tiền từ 10 – 12 triệu đồng.

 

Tại Điều 180 Bộ luật Hình sự năm 2015, tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản được quy định như sau: “Người nào vô ý gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

Nguyễn Hoàng

Tin liên quan