Xăng dầu giả tăng nguy cơ cháy động cơ xe ra sao?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Thời gian qua, cơ quan công an triệt phá đường dây làm xăng giả "khủng", với hàng trăm triệu lít đã được các đối tượng tung ra thị trường gây rúng động dư luận. Cũng từ đây, 1 mối lo "mới mà cũ" xuất hiện khi những đồn đoán lại liên hệ với các vụ cháy xe.

Xang dau gia tang nguy co chay dong co xe ra sao? - Hinh anh 1
1 vụ cháy xe khách trên cao tốc Pháp Vân tháng 8/2016

Sự nghi ngờ không phải không có cơ sở khi từ 1 vụ cháy ô tô trên địa bàn, Công an tỉnh Đắk Nông nhận định nguyên nhân do xe sử dụng xăng kém chất lượng. Sau khi xác minh, công an kiểm tra cửa hàng xăng dầu Vinh Quang (thị xã Gia Nghĩa) thì phát hiện tại đây còn chứa 10 m3 xăng dầu giả. Mở rộng điều tra, công an tiếp tục phát hiện nhiều cửa hàng xăng dầu khác có hành vi mua bán xăng giả tương tự. 

Đến nay, cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 23 bị can, tạm giữ hơn 3,2 triệu lít dung dịch các loại; trong đó có 2,1 triệu lít hỗn hợp đã pha chế thành xăng giả, 3 tàu thủy, 6 ô tô (xe bồn), 5 máy bơm, 50 kg chất tạo màu và nhiều tang vật có liên quan khác.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, các đối tượng trong đường dây mua dung môi để pha trộn với xăng A95 theo công thức: 30% dung môi + 50% xăng + chất tạo màu vàng để tạo thành xăng RON 95 giả. Còn để sản xuất xăng E5 (RON 92) giả, nhóm này dùng 35% dung môi + 40% xăng nền A95 + các chất tạo màu khác.

Theo TS Hoàng Mạnh Hùng - nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an phân tích: Dung môi là chất dùng trong công nghiệp, được sử dụng chủ yếu trong làm sạch, pha loãng sơn, chất tẩy... Việc sử dụng dung môi pha chế vào xăng làm tăng thêm chỉ số octan. Khi pha dung môi vào xăng sẽ tạo ra hỗn hợp khí dễ cháy nổ. Hỗn hợp đến giới hạn tỷ lệ cháy sẽ bốc cháy khi có nguồn nhiệt.

Xăng dầu pha dung môi kém chất lượng làm cho các ống gioăng cao su giãn ra, hở, các ống kim loại bị ăn mòn dẫn đến nhiên liệu rò rỉ, dễ bị phát tán ra ngoài khiến cho động cơ nóng lên. Khi động cơ hoạt động, chuyển động với nhiệt độ đến một ngưỡng đủ sẽ sinh ra cháy nổ.

Trong khi đó, theo 1 nghiên cứu của Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, trường hợp sử dụng xăng có chỉ số octan (RON) thấp hơn so với yêu cầu của động cơ hay xăng pha methanol, aceton và ethanol kém chất lượng thì nhiệt độ cục bộ tại các khu vực như nhớt bôi trơn, nước làm mát, thùng chứa mũ bảo hiểm, khu vực mô bin sườn và trong thùng nhiên liệu tăng lên từ 10 - 20 độ C. Điều này làm tăng khả năng phá hủy hệ thống ống dẫn nhiên liệu hoặc tăng áp suất hơi, làm rò rỉ xăng. Khi kết hợp với nguồn lửa có thể gây cháy.

Nguyên Bảo

Tin liên quan