Sản lượng sụt giảm mạnh
Lãnh đạo Trung tâm quản lý điều hành giao thông công cộng Hà Nội cho biết, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lên mạng lưới xe buýt của TP trong 2 năm vừa qua rất nặng nề. Lượng hành khách sụt giảm mạnh, kéo theo doanh thu vé thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, nhiều DN và người lao động trên các tuyến xe buýt lao đao, chật vật.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Hoàng Trung cho hay, 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của đơn vị chỉ đạt 45% kế hoạch, 6 tháng cuối năm có thể chỉ đạt 25 – 35%. Có khoảng 2.500 người lao động phải tạm dừng, hoãn nghỉ hoặc cắt giảm nếu diễn biến của dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp kéo dài.
Không chỉ lãnh đạo các DN xe buýt đang đau đầu với bài toán khó khăn do dịch bệnh, người lao động trên các tuyến xe buýt cũng phải gắng gượng qua từng ngày để mưu sinh. Chị Trần Thị Hồng Luyến - nhân viên phục vụ trên tuyến buýt số 58 của Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ Xây dựng Bảo Yến cho hay, đợt bùng phát thứ tư của dịch Covid-19 đã khiến hoàn cảnh của người mẹ đơn thân cùng mẹ già và 2 đứa con nhỏ lâm vào tình trạng khó khăn. “Tiền lương giảm gần một nửa vào những tháng trước khi giãn cách. Hiện giờ chỉ còn biết tiết kiệm, đắp đổi qua ngày thôi” - chị Luyến chia sẻ.
Tương tự, cuộc sống gia đình của nhân viên phục vụ trên xe buýt tuyến số 60B Nguyễn Hồng Kỳ cũng gặp nhiều xáo trộn. Thuê trọ tại thôn Đìa Nam Hồng, huyện Đông Anh, thu nhập bấp bênh khiến vợ chồng anh phải tạm gửi con về quê nội ở Vĩnh Phúc. Hiện tại, dù chi phí sinh hoạt đã được cắt gọt tối đa, chỉ tập trung mua gạo và đồ khô, nhưng anh Kỳ vẫn vô cùng chật vật vì số tiền được lĩnh của nửa tháng 7 đã gần cạn kiệt, hai vợ chồng chưa biết sống thế nào trong những ngày tiếp theo.
Hàng nghìn lái, phụ xe buýt khác cũng đang lâm vào tình cảnh điêu đứng, thất nghiệp do dịch bệnh Covid-19. Không có thu nhập nhưng vẫn phải chi phí trang trải cuộc sống khiến họ loay hoay, bế tắc. Nhiều phụ xe buýt đã tính tới nước làm đơn “xin thất nghiệp" để được hưởng trợ cấp. Anh Trần Sỹ Hưng, nhân viên của Xí nghiệp xe buýt Thăng Long (Transerco) cho biết buộc phải nghỉ việc tạm thời, nếu Hà Nội tiếp tục giãn cách, nghỉ việc lâu hơn nữa, gia đình anh không biết phải sống bằng gì. Anh Hưng chia sẻ: “Tôi bắt đầu nghỉ việc từ khi TP Hà Nội thực hiện Chỉ thị số 17. Trước đó, tôi đi làm cũng chỉ được một nửa số ngày công vì xí nghiệp có chính sách cho công nhân nghỉ luân phiên. Cả tháng 7, tôi chỉ đi làm 14 ngày, được hơn 3 triệu tiền lương”.
Tuy nhiên, bên cạnh việc phải ngừng hoạt động, sụt giảm doanh thu, khó đảm bảo đồng lương và đời sống cho cán bộ, công nhân viên vẫn còn hàng loạt khó khăn khác bủa vây các DN xe buýt.
|
Vận tải hành khách công cộng đang trải qua thời kỳ vô vàn khó khăn. |
Nêu cao ý thức vì cộng đồng
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long nhận định, DN vận tải hành khách, trong đó có xe buýt đang phải chống chọi với những áp lực vô cùng nặng nề, cần được quan tâm, hỗ trợ để vượt qua đại dịch Covid-19.
Ví như trong bối cảnh doanh thu “thụt lùi” mạnh mẽ, các khoản chi phí: Bến bãi, lãi vay ngân hàng, bảo hiểm xã hội… vẫn bắt buộc phải thanh toán. Bên cạnh đó, một số chi phí không nhỏ khác lại phát sinh như mua trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch bệnh, lắp camera giám sát theo chủ trương chung… Đáng hoan nghênh là giữa những khó khăn vất vả đó, nhiều DN xe buýt vẫn nêu cao ý thức vì cộng đồng, phối hợp chặt chẽ, góp sức cùng chính quyền và Nhân dân TP chống dịch.
Như Transerco đã đảm nhận hàng trăm lượt xe đưa đón hàng nghìn người dân Hà Nội về từ vùng dịch, F1 đi cách ly, người khỏi bệnh từ khu cách ly về nhà. Transerco cũng đóng góp 2 xe buýt để thực hiện chương trình “Xe buýt siêu thị 0 đồng” do Liên đoàn lao động Hà Nội khởi xướng. Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ Xây dựng Bảo Yến cũng tình nguyện góp 10 xe vào chương trình này.
|
Xe buýt của Transerco đưa, đón nhiều công dân trong thời gian vừa qua. |
Phó Giám đốc Đào Việt Long thông tin thêm, những ngày tới, nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, TP sẽ tiếp tục trưng dụng thêm nhiều xe buýt để phục vụ công tác chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội. Cụ thể, trong trường hợp một số địa điểm bán hàng bị thiếu hàng cục bộ hoặc bị ngừng kinh doanh, 50 xe buýt sẽ được chuyển đổi công năng tạm thời, tháo ghế, lắp đặt hệ thống vải bạt bên ngoài thành xe bán hàng lưu động phục vụ người dân.
Đồng thời, 150 xe buýt được huy động dự phòng cho trường hợp vận chuyển công dân nước ngoài về nước và công dân F1 đi cách ly, hoặc đã hết thời hạn cách ly tập trung về địa phương. Địa điểm tập kết xe dự phòng được phân chia thành các cụm. Trong đó cụm phía bắc và đông tập kết tại xí nghiệp xe buýt Yên Viên; Cụm phía Nam tập kết tại xí nghiệp xe khách Nam; Cụm phía Tây và Tây Nam tập kết tại xí nghiệp xe buýt nhanh BRT - Bến xe Yên Nghĩa.
Vừa qua, để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN xe buýt, Sở GTVT Hà Nội cùng các đơn vị hữu quan đã tham mưu, đề xuất với TP thực hiện nhiều biện pháp thiết thực. Cụ thể, UBND TP đã yêu cầu Sở GTVT Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan đề xuất, tham mưu để TP có căn cứ đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ GTVT xem xét, tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong đó, đáng chú ý là các nội dung liên quan đến chính sách lãi vay tại những tổ chức tín dụng, phí bảo trì đường bộ, thời hạn lắp đặt camera.
Riêng về chủ trương điều chỉnh chỉ tiêu sản lượng, doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2021, UBND TP thống nhất thực hiện theo đề xuất của Sở GTVT và hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong năm 2021 đối với các dự án đầu tư, thay mới phương tiện là xe buýt để nâng cao chất lượng phục vụ.
Sở GTVT Hà Nội cho biết, đơn vị đã có báo cáo về việc hỗ trợ giảm giá dịch vụ xe ra, vào bến và nhiều khoản chi phí khác cho đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động tại bến, bao gồm cả các đơn vị vận tải khách bằng xe buýt. Cho phép xét nghiệm, sàng lọc và tiêm vaccine phòng dịch đối với đội ngũ lái, phụ xe buýt.
Theo thống kê, quý I/2021, sản lượng hành khách của xe buýt sụt giảm tới 9,3 triệu lượt, doanh thu giảm 13,9 tỷ đồng. Từ tháng 5 tới nay, các tuyến xe buýt tiếp tục giảm sản lượng do chỉ được chở 50% số ghế để đảm bảo giãn cách phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt từ cuối tháng 7, toàn hệ thống đã dừng hoạt động. |