Xe máy chở quá số người gây tai nạn: Câu chuyện không hồi kết giữa quản lý và ý thức chấp hành

 
Chia sẻ

Những bất cập trong công tác tuần tra xử lý cũng như sự thiếu phù hợp trong các mức xử phạt đã thiếu tính răn đe, không thể tạo ra một nền tảng ý thức tốt cho người tham gia giao thông, đặc biệt là giới trẻ.

Liên tục trong thời gian qua xảy ra nhiều vụ thanh niên chở 3 chở 4 trên xe gắn máy rồi tự té ngã gây tai nạn thương vong khiến dư luận bức xúc.

Hầu hết các nạn nhân đều là thanh niên tuổi đời còn rất trẻ. Câu hỏi đặt ra là vì sao mà tình trạng này cứ liên tục tái diễn? Và cần phải làm gì để hạn chế thấp nhất những vụ việc tương tự?

Xe may cho qua so nguoi gay tai nan: Cau chuyen khong hoi ket giua quan ly va y thuc chap hanh  - Hinh anh 1
Hiện trường vụ tai nạn ở Thái Nguyên

Khoảng 0 giờ ngày 25/8/2019, tại đường Thống Nhất, thuộc địa phận tổ 1A phường Tân Lập, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Sầm Văn Thuần (SN 2001, trú tại xóm Là Mừ, xã Trương Lương, huyện Hoà An, Cao Bằng) điều khiển xe máy với tốc độ cao chở theo 4 người phía sau đã tự đâm va vào dải phân cách giữa đường. Cú đâm mạnh đã làm 4 người tử vong và 1 người bị thương rất nặng.

Trước đó, vào khoảng 21h45 ngày 4/7/2019, trên đường Dương Đình Hội, quận 9, TPHCM, một thanh niên điều khiển xe máy chở 3 va chạm với xe tải cẩu khiến cả 3 bị thương nặng.

Vào khoảng 21h30' ngày 4/5/2019, tại Km36 trên quốc lộ 32, 3 thanh niên điều khiển xe máy đi ngược chiều với tốc độ cao, không đội mũ bảo hiểm đã tông trực diện vào xe máy của 2 chiến sĩ cảnh sát thuộc trung đoàn Cảnh sát Cơ Động, công an Tp Hà Nội đang làm nhiệm vụ. Cú va chạm khiến 1 cảnh sát tử vong tại bệnh viện, 4 người còn lại bị thương.

Đó là những vụ tai nạn giao thông điển hình cho tình trạng các thanh niên điều khiển xe máy chở 3 chở 4 thậm chí chở 5 người, chạy với tốc độ cao, không chấp hành luật giao thông và gây ra tai nạn. Hậu quả từ những vụ tai nạn này hết sức thảm khốc, người chết và bị thương đều còn rất trẻ. Lực lượng chức năng xử lý các vụ việc này đều khẳng định những thanh niên này có sử dụng bia rượu trước khi điều khiển xe máy gây tai nạn cho mình và người khác.

Tình trạng này gây bức xúc cho nhiều người tham gia giao thông đặc biệt là các bác tài, các bậc phụ huynh.
"Tuổi trẻ bây giờ ít được giáo dục, ít gần gũi với gia đình và nhà trường, nên ý thức trách nhiệm với bản thân và người xung quanh là rất kém, nên có những hành động không thể chấp nhận được. Việt Nam có đầy đủ luật về tham gia giao thông, nhưng người thực thi và người nắm luật lại không nghiêm".

"Cái đó là do tuổi trẻ ăn nhậu thiếu suy nghĩ, anh đi hằng ngày anh thấy nhiều trường hợp rất là sợ, chỉ chở ba thôi đã rất nguy hiểm rồi đừng nói chở 4, rồi thêm ăn nhậu nữa. Ra đường nhiều người không suy nghĩ cho bản thân, chỉ là sợ, giờ này không có công an thì không cần đội mũ bảo hiểm, cứ nhậu đi cũng không sao, hay là mình chạy mình tống đi, có một khúc à".

"Quá bất cập. Giới trẻ giờ ăn nhậu toàn đi xe phân khối lớn. Ảnh hưởng quá lớn đến bản thân và người khác. Do ý thức của từng người, rượu bia vào là bốc đồng lên. Mấy anh giao thông xử phạt thì phải viết biên bản, chứ cầm mấy đồng rồi đi vậy thì đơn giản quá".

Xe may cho qua so nguoi gay tai nan: Cau chuyen khong hoi ket giua quan ly va y thuc chap hanh  - Hinh anh 2
Nhiều vụ tai nạn đáng tiếc bắt nguồn từ việc tham gia giao thông thiếu ý thức như thế này

Phân tích thêm về độ tuổi của những thanh niên gây ra tai nạn trong các vụ việc này, tiến sĩ Trần Hữu Minh, phó Chánh văn phòng UB ATGT Quốc Gia cho rằng vì còn tuổi đời rất trẻ nên các thanh niên này có xu hướng thiếu kềm chế bản thân, còn bốc đồng.

"Ở tuổi 18, 19, 20 là người ta đã hợp pháp nhận bằng lái rồi, nhưng kinh nghiệm chưa nhiều, đặc biệt sự kiềm chế, bình tĩnh, nhường nhịn, bản lĩnh, ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao như người trưởng thành".

Tiến sĩ Đoàn Văn Báu cũng tỏ ra đồng tình về mức độ thiếu chấp hành pháp luật của một bộ phận thanh niên hiện nay khi tham gia giao thông.

Tuy nhiên, tiến sĩ Báu cũng cho rằng tình trạng này cũng bắt nguồn từ việc lực lượng thực thi pháp luật chưa thực sự nghiêm khắc khi xử lý vi phạm, dẫn đến việc người dân nhờn luật, không chấp hành nghiêm túc.

"Ý thức của người tham gia giao thông ở đây không phải là do họ không nhận thức được tính chất, hậu quả của hành vi đấy, và cũng không phải do không hiểu biết pháp luật mà vấn đề chính là do chúng ta xử lý không nghiêm minh".


Ở một góc nhìn khác, luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội luật gia TPHCM cho rằng, mức xử phạt hiện tại còn quá thấp, chưa đủ sức răn đe.

Để xử lý một cách căn cơ thì cần nhìn nhận đúng bản chất vấn đề, cần có một chiến lược lâu dài hơn chứ không phải chắp vá như hiện nay,

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết thêm:

"Hành vi chở ba khi đi xe máy thì bị xử phạt từ 300 ngàn đến 400 ngàn đồng, tôi thấy mức phạt này rất thấp. Tôi thấy những lỗ hổng pháp lý nhìn từ những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Tùy theo tính chất, mức độ sai phạm để xử lý kịp thời, đảm bảo công bằng đối với khâu quản lý, đào tạo không làm hết trách nhiệm".

Rõ ràng đã có một sự lệch pha quá lớn giữa những quy định của pháp luật với hoạt động giao thông trên thực tế.

Những bất cập trong công tác tuần tra xử lý cũng như sự thiếu phù hợp trong các mức xử phạt đã thiếu tính răn đe, không thể tạo ra một nền tảng ý thức tốt cho người tham gia giao thông, đặc biệt là giới trẻ.

Câu chuyện không hồi kết

Câu chuyện về sự lệch pha giữa chính sách và thực tiễn đã và đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực của cuộc sống trong đó có hoạt động giao thông.

Khi những quy định của pháp luật chưa thực sự đi vào thực tế thì khó mà đòi hỏi một sự tuân thủ nghiêm túc từ phía người dân. 

Xe may cho qua so nguoi gay tai nan: Cau chuyen khong hoi ket giua quan ly va y thuc chap hanh  - Hinh anh 3
Nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt hiện tại còn quá thấp, chưa đủ sức răn đe

Tình trạng nhiều thanh thiếu niên điều khiển xe gắn máy chở 3 chở 4 thậm chí chở 5 phóng nhanh vượt ẩu gây tai nạn thương vong cho mình và người khác đã không còn là chuyện hiếm gặp.

Từ thành thị đến nông thôn, dù sáng trưa hay chiều tối chúng ta đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh những thanh niên tuổi đời còn rất trẻ mặt đỏ lừ vì bia rượu, đầu trần không mũ bảo hiểm kẹp 3 kẹp 4 kẹp 5 trên một chiếc xe máy lao đi bạt mạng trên đường.

Nông nổi, bốc đồng, thiếu kềm chế… là đặc điểm chung của không ít thanh niên hiện nay. Chỉ cần một chút bia rượu kèm một lời thách thức vô thưởng vô phạt thì bất kỳ một ai cũng có thể trở thành “anh hùng xa lộ” hoặc “hung thần trên đường phố”.

Thực tế này thể hiện sự thiếu quan tâm giáo dục từ gia đình và trường học. Khi phụ huynh ngày càng bận rộn hơn với cơm áo gạo tiền và phó mặc con cái cho thầy cô trường học; còn ngành giáo dục thì lại quan tâm nhiều hơn đến điểm số, thành tích mà thiếu tập trung vào bồi dưỡng đạo đức cũng như các kỹ năng cần thiết thì việc xuất hiện một bộ phận giới trẻ thiếu nhận thức, thiếu định hướng cũng là điều dễ hiểu.

Nếu cố gắng đi tìm nguyên nhân sau mỗi vụ tai nạn giao thông do các thanh thiếu niên gây ra hẳn không khó để tìm ra một mẫu số chung đó là sự thiếu quan tâm giáo dục từ gia đình, nhà trường, chịu ảnh hưởng từ những văn hóa kém lành mạnh, tâm lý thích thể hiện hay sự nông nổi nhất thời của tuổi trẻ …tất cả tạo nên một bộ phận thanh thiếu niên tiềm ẩn nhiều bất ổn

Ngoài ra cũng cần thừa nhận rằng vẫn còn quá nhiều lỗ hổng trong các chính sách đặt ra cho ngành giao thông mà cụ thể chính là luật giao thông đường bộ hiện nay.

Mặc dù các điều khoản, các quy định các mức xử phạt được đề cập khá rõ ràng và đầy đủ trong luật song không ít quy định, mức xử phạt chưa phù hợp với thực tế, thiếu tính răn đe đối với người vi phạm.

Không chỉ vậy, với lý do lực lượng còn mỏng nên hoạt động tuần tra xử lý của các đơn vị chấp pháp còn mang tính chiến dịch, phong trào, thiếu triệt để, nhiều trường hợp còn né tránh, du di, thậm chí có phần tiêu cực…đã tạo ra tâm lý xem thường pháp luật của một bộ phận thanh niên hiện nay.

Các quy định của pháp luật được đặt ra với mục tiêu duy trì sự ổn định và an toàn cho xã hội, song với những gì đang diễn ra trong hoạt động giao thông hiện nay cho thấy cần phải có những sự điều chỉnh cụ thể và sát sườn hơn để đảm bảo tính thượng tôn pháp luật cũng như nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành từ phía người dân.

Bộ GTVT và các đơn vị liên quan cần có những cuộc điều tra, khảo sát chi tiết và đầy đủ về các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông, quá trình tuần tra xử lý vi phạm của lực lượng chấp pháp, công tác điều hành quản lý…để có thể đưa ra được những điều chỉnh căn cơ và thiết thực hơn.

Nếu không kịp thời xóa bỏ được sự lệch pha giữa chính sách thực thi pháp luật với thực tiễn cuộc sống thì khó có thể đảm bảo được một trật tự xã hội như mong muốn.

Và nếu như những quy định trong luật giao thông đường bộ không được điều chỉnh bám sát thực tế hơn thì tai nạn giao thông và những hệ lụy từ tai nạn giao thông sẽ khó có thể được kềm chế một cách bền vững.

Theo VOV Giao thông

Tin liên quan