Xe nát đưa đón học sinh: Sự vô trách nhiệm của người lớn với con trẻ

 
Chia sẻ

Câu trả lời thiếu trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị có liên quan đến 2 vụ xe đưa đưa đón làm rơi học sinh xuống đường khi đang chạy càng làm dấy lên sự lo ngại cùng những chỉ trích dữ dội về trách nhiệm đảm bảo sự an toàn cho các em học sinh.

Báo động xe đưa đón học sinh không đảm bảo chất lượng

Xe nat dua don hoc sinh: Su vo trach nhiem cua nguoi lon voi con tre  - Hinh anh 1
Khoảnh khắc xe khách làm rơi 3 học sinh tiểu học xuống đường


Ngày 26/11 vừa qua, khắp các trang mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến lan truyền video ghi lại cảnh một chiếc ô tô BKS: 51B - 079.23 vào cua gấp ở Biên Hòa (Đồng Nai) đã bật cửa, làm văng 03 em học sinh ra khỏi xe. Hình ảnh ba cháu bé ngã sóng xoài, lồm cồm bò dậy, hốt hoảng đuổi theo chiếc xe đã “ngon trớn” đi thêm một đoạn khiến cộng đồng mạng “dậy sóng”.

Trả lời phóng viên VOV Giao thông về sự cố này vào trưa ngày 27/11, cô Vũ Thị Thanh Bình - hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Bội Châu, phường Long Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai xác nhận và lý giải:

“Bình thường học sinh lên xe thì nhà trường vẫn kiểm tra việc học sinh ngồi như thế nào, yêu cầu cô giáo đi theo xe. Tuy nhiên, ngày 26, chiếc xe đó chở 16 học sinh lớp 1/6 và cô giáo chủ nhiệm trên xe. Có lẽ trong quá trình di chuyển đi ngang khúc cua, học sinh lớp 1 mà, nó đùa giỡn như thế nào đó, cô giáo cũng có nhắc nhỡ, tuy nhiên cái cửa nó bị bung ra khiến 3 học sinh bị rơi ra khỏi xe".

Vị hiệu trưởng này cho biết đã báo tình hình với phụ huynh nhưng do các em không bị gì nên họ cũng không ý kiến; đồng thời đã làm việc với giáo viên chủ nhiệm, công ty vận tải Thiên Tuấn Lộc đã có phương tiện đưa đón học sinh. Tài xế Trần Thúc Định – người đã điều khiển phương tiện gây ra sự cố thừa nhận với cơ quan chức năng.

“Nguyên nhân chính là do cái cửa khúc sau, mình đóng cái chốt chưa vô hết nên khi vào cua theo quán tính thì nó bật cái chốt ra làm bật cái cửa sau ra nên theo đà là các em rơi xuống dưới”.

Điều đáng nói, tài xế Trần Thúc Định trả lời phỏng vấn cho biết có “hợp đồng miệng” với tư cách cá nhân với cô giáo chủ nhiệm, đồng thời thừa nhận sự tắc trách của mình. Nhưng nhà trường lại cho biết đã làm việc với Công ty vận tải và có phát ngôn cho rằng do các em học sinh “đùa giỡn” làm bật chốt cửa đã khiến dư luận phẫn nỗ dữ dội.

“Tôi có cháu học ở đây nè, tôi nghe bực bội ghê vậy đó. Đưa con người ta về nhà cô học chốt cửa sau sao mà nó bung ra giờ đổ thừa con nít mở, nó làm sao nó mở được. Này là do mấy ông tài xế vô trách nhiệm không kiểm tra cửa nẻo”.

"Cô hiệu trưởng nói xe chạy chậm nên may mắn hổng sao hả? Tui thấy rõ ràng văng học sinh, văng học sinh chứ đâu phải văng đồ đạc mà nói may mắn được. Lỡ tụi nhỏ có mệnh hệ gì cô đền được cho tụi tui chắc?"

"Trời trời, nhận tiền đưa đón và dạy con em người ta mà sao không nhận ngay trách nhiệm mà đổ thừa cho tụi nhỏ giỡn. Cái xe này chốt ngoài mà giỡn kiểu gì mà bung cửa được?"

Ghi nhận của PV VOV Giao thông, chiếc xe trong vụ tai nạn dù vẫn còn hạn đăng kiểm nhưng ngay từ bên ngoài xe đã rất cũ nát, sườn xe hoen gỉ, bên trong ghế ngồi ám bẩn, cũ kỹ thậm chí có những hàng ghế bật ra khỏi sàn xe.

Xe nat dua don hoc sinh: Su vo trach nhiem cua nguoi lon voi con tre  - Hinh anh 2
Chiếc xe khách làm rơi 3 học sinh mặc dù vẫn còn kiểm định nhưng nhìn rất cũ nát


Điều tra, xử lý sự cố này, Đội Thanh tra Giao thông TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai thông tin đã kiểm tra tất cả các phương tiện đưa đón học sinh của trường.... trong đó có 1 phương tiện chở số người quá quy định đã tiến hành lập biên bản xử phạt hành chính. Về công tác thanh kiểm tra và xử lý vi phạm liên quan, ông Nguyễn Phan Trong - Chánh thanh tra sở GTVT tỉnh Đồng Nai thông tin:

“Ngay từ đầu năm là đã triển khai xử lý đến hôm nay kết quả xử lý trên 320 trường hợp đối với xe chở học sinh. Nói chung nó vi phạm mà thấy lực lượng là nó thường né tránh”.

Sự việc trên chưa ngã ngũ thì dư luận tiếp tục bàng hoàng khi cũng tại Đồng Nai, chỉ ba ngày sau, tức ngày 29/11, khoảng 16h30, xe ô tô loại 16 chỗ ngồi đón học sinh từ Trường Tiểu học Diên Hồng (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) khi đang lưu thông trên quốc lộ 1 đoạn qua xã Bắc Sơn thì cánh cửa bật mở, làm rớt 2 nam sinh lớp 4 xuống đường. Xe ô tô chạy thêm 50 mét mới dừng lại.

Rất may 2 học sinh chỉ bị xây xát nhẹ. Bước đầu cơ quan chức năng ghi nhận chiếc xe ô tô hiệu Mercedes, sản xuất năm 2004, hết hạn kiểm định từ ngày 18/11. Tài xế Cao Tuấn Việt (48 tuổi) cho biết chuyến xe được ông “hợp đồng miệng” với giáo viên chở học sinh mỗi ngày 4 lượt đi và về.


Trước những sự cố liên tiếp xảy ra liên quan đến xe đưa đón học sinh, ông Phạm Lê Lâm - Phó Đội trưởng đôi tham mưu tổng hợp thanh tra Sở GTVT TPHCM chia sẻ:

"Thanh tra sở chỉ đạo các Đội Thanh tra giao thông trên địa bàn trong công tác phối hợp với Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng, Sở Giáo dục & Đào tạo… khi kiểm tra về điều kiện an toàn phương tiện, người điều khiển, kiểm tra kỹ hơn nữa, nhắc nhở, chấn chỉnh hơn nữa các đơn vị vận tải trước khi chúng ta lưu thông phải kiểm tra kỹ các chốt cửa, cửa sổ nhằm hạn chế triệt để, tối đa nguy cơ… Phải đảm bảo ATGT cho các em học sinh của chúng ta đưa trước đến trường".

Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Trưởng Ban Chuyên trách Ban ATGT TP HCM nhấn mạnh thời gian tới, việc xử phạt các đối tượng này mức độ phải có tính răn đe cả về kinh tế là phạt tiền, phải tạm giữ phương tiện, giam bằng lái xe.

Sự vô trách nhiệm của người lớn

Điểm chung của 2 phương tiện làm văng học sinh khỏi xe khi đang chạy đều là các phương tiện không đảm bảo chất lượng. Câu trả lời thiếu trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị có liên quan càng làm dấy lên sự lo ngại cùng những chỉ trích dữ dội về trách nhiệm đảm bảo sự an toàn cho các em học sinh. 

Xe nat dua don hoc sinh: Su vo trach nhiem cua nguoi lon voi con tre  - Hinh anh 3
Hãy giúp trẻ tránh khỏi những sang chấn tâm lý, nỗi sợ hãi về các chuyến xe kinh hoàng. Ảnh: Văn Hải


Năm 2019, liên tiếp xảy ra các bê bối liên quan đến công tác đưa đón học sinh đến trường đã gióng lên hồi chuông báo động về một thực trạng vốn đã tồn tại âm thầm trong suốt những năm qua.

Vấn đề dùng xe cũ, xe nát không đảm bảo chất lượng để chở hàng hoá được “tân trang”, “hồi sinh” để chở các em nhỏ đến trường đã không còn xa lạ nhưng phải đến khi có học sinh đã tử vong; những thước phim ghi lại cảnh các em học sinh văng ra khỏi xe rõ mồn một được ghi lại, phát tán thì dư luận mới bàng hoàng về sự bất lương của một số cá nhân, tổ chức trong công tác đưa đón học sinh.

Khó có thể tưởng tượng được trên những chiếc xe bục nát, cũ kỹ đó, đã có bao thế hệ học trò mỗi ngày bất an, hoảng sợ thế nào trên chặng đường dài đến trường. Thành ghế, tựa lưng để bấu víu không có, thầy cô đi cùng đôi khi cũng không có mặt. Phải chăng chính các em nhỏ chưa có tiếng nói và chưa phản kháng được đã khiến những người lớn cẩu thả, xem thường tính mạng của các em đến vậy?

Sự đùn đẩy trách nhiệm, bất nhất trong phát ngôn trong 02 tai nạn gần đây là điều không thể chấp nhận. Mỗi cá nhân, tổ chức liên quan đều phải quy trách nhiệm rõ ràng khi đã nhận chi phí đưa đón, quản lý và giáo dục các em học sinh. Trước tiên là nhà trường.

Dễ dàng thấy bằng mắt thường các phương tiện không đảm bảo chất lượng từ bề ngoài hoen rỉ, bục nát; ghế ngồi cáu bẩn, dở bỏ cả tựa lưng…, phải chăng nhà trường đinh ninh giấy tờ đã đủ, phương tiện còn hạn sử dụng nên an tâm nhận tiền, bỏ qua cả việc giáo viên và lái xe chỉ “hợp đồng miệng”?

Ngoài ra, không thể không kể đến vai trò, trách nhiệm của Ban an toàn giao thông, các đơn vị hữu quan tại địa phương… phải sớm đưa ra các cảnh báo ngay từ năm học đến các trường, các đơn vị giáo dục, cả các em học sinh lẫn phụ huynh. Song song đó, lực lượng chuyên ngành cần kiểm tra thường xuyên, đột xuất các đơn vị vận tải, kiên quyết xử lý cả chế tài về hành chính lẫn hình sự các chuyến xe “tử thần” đầy những “cái không”: “không được đăng kiểm”, “không bình chữa cháy”, “không dụng cụ thoát hiểm”, “không băng vịn, tựa lưng”…gây ám ảnh cho cả học sinh lẫn người đi đường.

Được biết, Bộ Giáo dục và đào tạo đã có công văn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chủ trì xây dựng quy định tiêu chuẩn xe đưa đón học sinh từ bậc mầm non đến phổ thông. Đây là điều rất nhiều nước trên thế giới đã sớm thực hiện với các tiêu chuẩn chặt chẽ về kỹ thuật; màu sắc, hình thức; các biện pháp bảo đảm an toàn…, hành lang pháp lý.

Đã đến lúc có những quy định rõ ràng hơn để ngăn chặn sự cố đau lòng tái diễn như trên, hay vụ việc đã xảy ra tại trường Gateway tại Hà Nội, hay trường Đồ Rê Mí ở Bắc Ninh.

Cuối cùng, dù biết vẫn phải nặng gánh mưu sinh, dãi dầu mỗi ngày nhưng mong quý phụ huynh, đặc biệt là các anh chị em công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn phải trông nhờ các dịch vụ đưa đưa học sinh đến trường hãy chủ động theo dõi, hướng dẫn con em kỹ năng đi xe an toàn; báo với các đơn vị chuyên trách nếu phát hiện dấu hiệu sai phạm trong công tác đưa đón học sinh thay vì im lặng, phó mặc cho nhà trường, đơn vị vận tải “nhồi nhét” con em trên các chuyến xe tử thần.

Hãy giúp trẻ tránh khỏi những sang chấn tâm lý, nỗi sợ hãi về các chuyến xe kinh hoàng; hãy để trẻ cảm nhận “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”! Và đừng im lặng, vì có thể chính con em chúng ta sẽ là nạn nhân tiếp theo!

Theo VOV Giao thông

Tin liên quan