Xe ôm công nghệ chật vật mưu sinh

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Giới xe ôm công nghệ kết thúc năm 2020 với nhiều khó khăn, những mong sang năm mới sẽ suôn sẻ hơn. Vậy nhưng, dịch Covid-19 lại ập đến, cánh tài xế hoạt động trong lĩnh vực này thêm "méo mặt".

Vắng khách
 Anh Phạm Đức Trung (31 tuổi, trú tại Cầu Giấy), một tài xế xe ôm công nghệ than thở: "Tôi bắt đầu làm việc từ mùng 2 Tết nhưng tình trạng chung đường phố Thủ đô ảm đạm, vắng khách hơn năm ngoái rất nhiều". Anh Trung cho biết, đã dự báo được tình trạng "ế ẩm" này từ trước Tết, khi dịch bệnh Covid-19 tái diễn và có phần phức tạp hơn trước, người dân chỉ ra đường nếu thực sự cần thiết, cùng với đó, sinh viên, người lao động về quê sớm và lên TP bằng phương tiện cá nhân nhằm tránh sự lây lan của dịch bệnh. "Từ mùng 2 Tết đến nay, mỗi ngày tôi chỉ kiếm được 100.000 – 200.000 đồng. Ai gọi tôi đều chạy, từ chở khách đến giao hàng" - anh Trung chia sẻ.
 Còn anh Phạm Đình Hải (33 tuổi, quê Phú Thọ) than thở, dịp cận Tết tình trạng chung là gần như không có khách khiến anh phải xoay xở kiếm thêm thu nhập như giao đồ ăn, chở thuê đào quất cho khách để bù lại. Những ngày Tết và sau Tết anh vẫn thường xuyên túc trực ở khu vực Bến xe Mỹ Đình. Tuy nhiên, khách đi rất ít, ngay cả trong bến xe cũng không nhộn nhịp như mọi năm do dịch bệnh.
 Cú sốc
 Anh Trần Ngọc Sơn (quê Cẩm Khê, Phú Thọ) từng là một đối tác của Grab đã phải tắt ứng dụng, rời bỏ "cuộc chơi" sau khi gắn bó gần 3 năm do không thể gắng gượng được thêm. Theo anh Sơn, năm ngoái, ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng khách đã giảm trên 50%, tuy nhiên do vẫn còn tiền tiết kiệm nên anh cùng gia đình cầm cự được. Đến đầu tháng 1 năm nay, thu nhập dần có trở lại thì Covid-19 lại bùng phát, vượt quá sức chịu đựng. Không có thu nhập nhưng vẫn phải đảm bảo trả lãi, gốc với số tiền lớn mỗi tháng buộc anh phải bán chiếc Vios và tìm hướng gia nhập taxi truyền thống để mưu sinh. Anh Sơn tâm sự: “Ra Tết, có những ngày không kiếm được đồng nào nhưng vẫn phải trả nợ tiền xe khiến tôi mất ăn, mất ngủ”.
 Đứng chờ khách từ sáng đến đầu giờ chiều mới được 100.000 đồng, anh Nguyễn Anh Quang (quê Thái Bình) chỉ biết ngồi chơi điện thoại để giết thời gian. Mặc dù quyết định "làm đơn, làm kép" chạy cả 3 nền tảng của Grab là Bike, Food và Express với mong muốn đảm bảo thu nhập nhưng dường như vẫn chưa đủ. Anh Quang lý giải: "Hiện tại do mức chiết khấu lên tài xế cao, cộng với việc số lượng tài xế tăng mà khách hàng càng giảm khiến thu nhập của tôi bị giảm rất sâu, phải khoảng 30 - 40% so với trước đây. Thêm vào đó cũng không có bảo hiểm nên rất rủi ro khi có tai nạn nghề nghiệp xảy ra".
 Có thể nói, giới xe ôm công nghệ vẫn chưa quên những khó khăn từ đợt dịch Covid-19 ập đến năm ngoái nên khi dịch bùng phát lại khiến họ luôn phấp phỏng, lo âu. Hầu hết tài xế hy vọng, Covid-19 sẽ sớm được dập tắt, để nhịp sống kinh tế - xã hội trở lại bình thường, giúp họ mưu sinh thuận lợi hơn.

Thành Luân

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h