|
Hiện trường vụ lái xe say rượu đâm vào cây xăng đường Láng. |
Những vụ tai nạn từ những kẻ say
Khoảng 21h50 ngày 12/8, Ngô Công Hán (SN 1987, trú tại huyện Thanh Oai, Hà Nội) lái ô tô lưu thông trên đường bất ngờ tông thẳng vào cây xăng 111 đường Láng (quận Đống Đa). Vụ việc khiến 8 người bị thương và làm hư hỏng một số xe ô tô, xe máy đang đổ xăng tại đây. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện Hán vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,9mg/lít khí thở, cao gấp 2,25 lần mức kịch khung theo nghị định 100 (0,4mg/lít khí thở). Tại CQCA, Hán khai nhận trước đó đi dự sinh nhật bạn và có uống rượu bia. Tài xế này khai nhận do say rượu đã đạp nhầm chân phanh thành chân ga nên gây ra vụ tai nạn.
Ngày 28/8, CA quận Đống Đa đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Ngô Công Hán. Tài xế Hán bị bắt tạm giam 3 tháng để phục vụ công tác điều tra về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. CA đang tiếp tục củng cố hồ sơ, căn cứ tỉ lệ thương tích, thiệt hại cụ thể nam tài xế này gây ra trong vụ tai nạn để xử lý theo quy định.
Trước đó, CATP Bắc Giang tạm giữ tài xế Nguyễn Đức Thịnh (SN 1987, là cán bộ Sở GTVT tỉnh Bắc Giang) để điều tra, xử lý vì liên quan đến vụ tai nạn khiến 3 người chết vào đêm 2/6/2022. Tại CQĐT, Nguyễn Đức Thịnh cho biết, đã tham gia tiệc liên hoan với cơ quan cũ và uống rượu bia, hát karaoke. Thời điểm gây tai nạn, Thịnh vi phạm nồng độ cồn ở mức rất cao, lên tới 0,604 mg/l khí thở.
Sau vụ tai nạn, Nguyễn Đức Thịnh hối hận với những gì mình gây ra. Dù hối hận, nhưng với hậu quả làm chết 3 mạng người, Thịnh đã bị khởi tố, giam giữ để làm rõ hành vi “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Việc quá nhiều những vụ việc đau lòng do người đã uống rượu, bia điều khiển xe gây tai nạn khiến người dân đều bức xúc. Anh Nguyễn Bá Hồng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho rằng, việc tai nạn xảy ra trên đường giao thông là điều không ai muốn. Nhưng những tai nạn do tài xế đã dùng bia, rượu gây ra là những vụ việc đáng lẽ sẽ tránh được nếu như mỗi người trước khi sử dụng bia rượu đều có ý thức và trách nhiệm. Cũng theo anh Hồng, những tài xế có nồng độ cồn vượt ngưỡng khi lái xe cần có chế tài phạt thật nặng. Thậm chí có thể xem xét việc tước bằng lái xe, không cần đến khi gây tai nạn mới tính đến chuyện xử lý mạnh tay.
Về vấn đề này, khi bàn thảo xây dựng dự Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia những năm trước, nhiều Đại biểu Quốc hội khóa XIV đã nhấn mạnh, tác hại của rượu, bia đã lên đến đỉnh điểm, với hàng loạt các vụ TNGT nghiêm trọng, các vụ bạo lực gia đình, hiếp dâm, gây bức xúc dư luận.
Đồng thời cũng có đại biểu cho rằng, cần tăng mức chế tài khi lạm dụng rượu bia lái xe, bạo lực, xâm hại tình dục, gây rối trật tự. Trong đó, quy định tăng nặng với các trường hợp tái phạm, tạm giam ngay người và xe nếu thực sự nguy hiểm.
Ý kiến trái chiều
Tuy nhiên, trước khi Luật được đưa vào cuộc sống thì việc có những giải pháp ngay tức thì vẫn là điều không chỉ có người dân mong đợi. Và mới đây, CA quận Hoàng Mai đang thí điểm tuyên truyền tác hại của rượu, bia bằng hình thức phát tờ rơi và các khẩu hiệu, đồng thời thành lập tổ xe ôm miễn phí đưa người say về tại 160 quán nhậu. Bên cạnh đó, chính quyền quận Hoàng Mai còn vận động các quán bia, rượu thành lập tổ xe ôm đưa người quá chén về nhà. Thành viên tổ này chủ yếu là nhân viên nhà hàng hoặc kết hợp với hãng xe công nghệ luôn sẵn sàng đưa khách hàng có biểu hiện say rượu, bia về nhà an toàn.
Tuy nhiên, việc đưa mô hình này vào hoạt động cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Anh Dương Quốc Chính (phường Vĩnh Tuy) cho rằng, việc uống bia rượu là một trong những thú vui khó bỏ của nhiều người. Và đương nhiên, việc tài xế say xỉn lái xe vẫn là một trong những nguyên nhân của các tai nạn thảm khốc. Do vậy, việc có một đội xe ôm miễn phí để chở người say về cũng là việc đáng ghi nhận của chính quyền. “Tuy nhiên tôi cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế. Sau những giải pháp mang tính chất tức thời này cần có những giải pháp căn cơ hơn để hạn chế đến mức tối đa việc xảy ra những tai nạn đáng tiếc” – anh Chính nói.
Còn theo anh Nguyễn Tuấn Anh (quận Thanh Xuân), trước đây anh cũng có nghe loáng thoáng có những quán nhậu hoặc có những người tình nguyện đưa những người say rượu về nhà miễn phí. Thế nhưng có thể do không có tổ chức, cũng không bài bản nên những hành động đó chỉ diễn ra lác đác, tồn tại trong một thời gian ngắn rồi “ai vào việc người ấy”. Và thế là người say, người sử dụng bia rượu vẫn hồn nhiên ngồi sau tay lái mà không hề lường trước những tai nạn có thể xảy ra. Theo anh Tuấn Anh: “Vậy khi có mô hình này thì nguồn nhân lực ở đâu, kinh phí nào để duy trì khi mà những tài xế xe ôm hay nhân viên ở quán đó đều cần thu nhập. Nếu cứ miễn phí suốt cũng khó cho họ. Đồng thời nếu không triệt để cũng chưa chắc giải quyết được vấn đề”.
Cũng theo anh Tuấn Anh, việc miễn phí sẽ làm cho một số người dựa dẫm và tạo thói quen xấu. Nếu không khéo có thể gây ra hiệu ứng ngược. “Sẽ có nhiều người cho rằng đã có “người” khác lo thì cứ hồn nhiên mà… nhậu. Thế nên giải pháp căn cơ vẫn cứ là cần một chế tài xử phạt đích đáng và tuyên truyền nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của các tài xế mỗi khi ngồi vào bàn nhậu” – anh Tuấn Anh nói.
Góp ý về Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP HCM) rất hoan nghênh dự thảo luật đã có quy định “Bộ GTVT có trách nhiệm xây dựng nội dung và tổ chức việc đào tạo về phòng, chống tác hại của rượu, bia trong chương trình đào tạo cấp giấy phép lái xe”. |