Xe thô sơ vi phạm giao thông: Chế tài không thiếu vì sao không phạt?

 
Chia sẻ

Các phương tiện xe thô sơ, xe đạp đi sai làn đường, đi vào đường cấm không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đối với bản thân người điều khiển mà còn gây nguy hiểm đối với những phương tiện cùng tham gia giao thông.

Xe tho so vi pham giao thong: Che tai khong thieu vi sao khong phat? - Hinh anh 1
Mặc dù, Luật giao thông đường bộ đã có những quy định cụ thể xử lý các phương tiện vi phạm nhưng rất ít trường hợp bị xử lý. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này? 

Theo ghi nhận của phóng viên chương trình và phản ánh của thính giả về tình trạng, một số phương tiện xe đạp, xe thô sơ lưu thông vào làn đường ô tô trên Đại lộ Thăng Long, và trên cầu Nhật Tân- Nội Bài tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Bên cạnh đó, nhiều phương tiện thô sơ đi sai làn đường hoặc đi ngược chiều diễn ra khá phổ biến. Phản ánh về tinh trạng này, một số ý kiến cho biết:

“Ở Việt Nam mình bị sai rất nhiều. Đi sai làn đường, đi ngược chiều đường này tai nạn nhiều, nhất là ở cuối cầu vượt Trần Khát Chân ngày nào cũng xảy ra va chạm”.

“Học sinh đi thì ngổ ngáo lắm. Nói chung theo tớ khi sai phạm dù ô tô, xe máy, xe đạp đều phải xử phạt nghiêm thì mới không để lại hậu quả. Đôi khi mình đi tử tế nhưng người ta va vào mình nên mình cứ xử nghiêm”.

“Khi người ta đã đề biển cao tốc dành riêng cho ô tô thì xe máy, xe đạp không được phép vào, mà vào đấy là cái nguy hiểm rất cao vì tốc độ của ô tô khác, tốc độ xe máy khác nên bên giao thông cần có mức xử phạt cao cho người ta sợ".

Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh cho biết, tại Nghị định 46 năm 2016 đã có những quy định cụ thể về xử phạt những người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy hoặc người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm những quy tắc về giao thông đường bộ. Cụ thể tại Khoản 5, Điều 8, trường hợp người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, xe thô sơ khác có hành vi đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 400 đến 600 nghìn ; trường hợp người điều khiển xe đạp, xe đạp máy hoặc xe thô sơ khác vượt đèn đỏ sẽ bị xử phạt từ 60-80 nghìn. 

Mặc dù các quy định của pháp luật đã tương đối đầy đủ, nhưng trên thực tế, rất ít trường hợp người điều khiển phương tiện xe thô sơ, xe đạp bị xử phạt. Luật sư Phạm Thành Tài nêu ý kiến:

“Trong thực tiễn, việc xử lý các hành vi vi phạm này còn chưa hiệu quả, cũng như việc thực thi quy định Nhà nước của cá nhân có thẩm quyền chưa thực sự thực hiện một cách nghiêm túc, có hành vi vi phạm xảy ra nhưng không xử lý. Điều này một phần làm giảm tính nghiêm khắc, răn đe của các quy định pháp luật cũng như làm giảm hiệu quả trong việc tuyên truyền giáo dục cho người dân”.

Thượng úy Nguyễn Hiểu Minh, công tác  Đội CSGT số 4- Phòng CSGT công an thành phố Hà Nội cho hay, lực lượng chức năng cũng đã tiến hành xử lý các trường hợp xe thô sơ, xe đạp vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, công tác này gặp không ít khó khăn do những người điều khiển phương tiện thường không mang theo giấy tờ tùy thân nên thực hiện quy trình tạm giữ còn tương đối phức tạp: 

“Vì phương tiện xe đạp, xe thô sơ làm gì có giấy tờ gì, thứ hai là người tham gia không mang theo chứng minh thư, mình cũng không xác định được đó là chủ phương tiện hay gì cả mình chỉ biết người ta khi tham gia giao thông vi phạm, còn lỗi phương tiện thô sơ chỉ phạt cảnh cáo. Riêng với người đi xe đạp và người đi bộ cũng có xử lý cảnh cáo, có phạt tiền nhưng nếu mà giữ một trường hợp xe đạp thì không giữ được người ta, chỉ phạt cảnh cáo thôi”.

TS Trần Hữu Minh- Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, ngoài  những khó khăn trong công tác xử lý hành vi vi phạm và ý thức tuân thủ pháp luật của người dân chưa nghiêm, yếu tố bất cập về cơ sở hạ tầng, tổ chức giao thông cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm. Bởi vậy trong thời gian tới, để hạn chế các trường hợp xe thô sơ, xe đạp vi phạm, TS Trần Hữu Minh đề xuất:

“Chúng ta cần tăng cường tuyên truyền để người dân nhận thức được những quy định của pháp luật , đặc biệt là những rủi ro, hậu quả có thể xảy ra khi mà họ vi phạm. Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới, những hành vi như vậy dùng các thiết bị, công nghệ để phát hiện và xử lý, truyền thông tốt chắc chắn nhận thức của người dân sẽ thay đổi”.

Tại Hà Lan, để khuyến khích người dân sử dụng xe đạp, chính quyền các đô thị ngay từ khâu thực hiện quy hoạch đã bố trí và xây dựng hệ thống làn đường dành riêng cho xe đạp với nhiều chính sách ưu tiên. Làn đường dành cho người đi bộ, đi xe đạp tách riêng hoàn toàn và tách xa so với làn đường dành cho xe cơ giới. Tại các điểm giao cắt, các phương tiện xe đạp và người đi bộ có tín hiệu đèn ưu tiên nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Ông Nguyễn Ngọc Quang- Nghiên cứu sinh củả Đại học Twelve Hà Lan chia sẻ kinh nghiệm:

“Đối với những đường trục, đường cao tốc, làn cho xe dạp được bố trí cách xa làn đường xe cơ giới từ 20 mét và bề rộng khoảng 5 mét, có 2 chiều. Hay còn gọi đại lộ xe đạp. Đối với trục đường có lưu lượng giao thông lớn vì mất an toàn cho nên xe đạp sẽ được bố trí hạ tầng tách rời hoàn toàn”.


Một số ý kiến cho rằng, đối với Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, để hạn chế những vi phạm về trật tự an toàn giao thông đối với các phương tiện xe thô sơ, xe đạp cũng cần cân nhắc học hỏi những kinh nghiệm thế giới trong việc xây dựng hạ tầng dành riêng cho các phương tiện này. Về lâu dài, nếu khuyến khích được người dân đi bộ và xe đạp cũng là cách để khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện GTCC và đảm bảo cho đô thị phát triển bền vững.

Xe tho so vi pham giao thong: Che tai khong thieu vi sao khong phat? - Hinh anh 2
Cũng như việc xử phạt người đi bộ, sẽ có rất nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho sự “bỏ quên” hoặc nương tay của lực lượng chức năng đối với vi phạm ở người đi xe thô sơ

Pháp luật đã có những quy định khá đầy đủ về việc xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông cho tất cả  các phương tiện. Vì thế, khi cùng tham gia giao thông trên một tuyến đường, bất kì người điều khiển phương tiện nào cũng đều phải tuân thủ các quy định nghiêm túc để đảm bảo an toàn cho những người cùng tham gia giao thông và bị xử phạt nếu vi phạm để đảm bảo công bằng.

Tiếp cận thô sơ

Xe đạp, xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự, được quy định là xe thô sơ, theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Chúng không nằm trong Danh mục các nguồn nguy hiểm cao độ được quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự 2005 như xe cơ giới. Nhưng các phương tiện này, có thực sự không thể gây ra nguy hiểm cao độ hay không?

Hồi tháng 7 năm nay tại Quảng Nam, một thanh niên đi xe máy mất lái, đâm vào cột mốc bê tông và tử vong tại chỗ, khi cố tránh một chiếc xe đạp đột ngột cắt qua đường.

Hàng loạt vụ tai nạn thương tâm do tôn cứa cổ đã xảy ra trong thời gian qua, ở nhiều địa phương trên cả nước. Những tấm tôn sắc lẹm được xếp kềnh càng trên xe xích lô, xe cải tiến lưu thông trên đường mà không hề che chắn, như lưỡi dao khổng lồ kề cổ người tham gia giao thông.

Và không ít các vụ tai nạn giao thông đã xảy ra với chính người đi xe đạp, xe đạp điện, khi va chạm với ô tô, xe máy, hậu quả thường là khả năng xấu nhất.

Ngay tại Hà Nội, phản ánh tới VOVGT, rất nhiều tài xế ô tô bày tỏ sự bức xúc, lo lắng, khi chứng kiến hàng đoàn xe đạp nối đuôi nhau đi lên cao tốc Đại lộ Thăng Long, Nhật Tân Nội Bài, thậm chí dàn hàng ngang trong làn của ô tô. Tai nạn chỉ là vấn đề thời gian.

Vậy nhưng, đã cả chục năm nay, từ khi xuất hiện những tuyến đường được gọi là cao tốc đầu tiên cho đến khi cả nước có gần 900km đường cao tốc, và đã gần 4 năm nay kể từ chế tài xử phạt hành vi xe đạp đi lên cao tốc được bổ sung vào  Nghị định 46 của Chính phủ, vẫn chưa hề có thông tin nào về xử phạt vi phạm này. Đó là hành vi được áp chế tài cao nhất trong các vi phạm của xe thô sơ. Còn các lỗi vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, sang đường tùy tiện, chở hàng cồng kềnh….thì lại càng chưa từng nghe nhắc nhở.

Nếu không xảy ra các vụ tôn cứa cổ gây chết người, thì những người dùng xích lô, xe kéo chở tôn vẫn sẽ thản nhiên hành nghề, bởi chính họ cũng  không thể hình dung công việc mưu sinh cặm cụi và tưởng rất lành của họ, lại có thể dẫn đến hậu quả khủng khiếp đến như vậy. Họ có thể đã có cách đề phòng, nếu được cảnh báo, nhắc nhở từ trước khi tai nạn xảy ra.

Cũng như việc xử phạt người đi bộ, sẽ có rất nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho sự “bỏ quên” hoặc nương tay của lực lượng chức năng đối với vi phạm ở người đi xe thô sơ. Rằng khó đủ thứ, rằng các vi phạm này không phải là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tai nạn giao thông. và có thể, cả do mức phạt quá nhẹ... Song, dù với lý do nào, thì đó đều ít nhiều cho thấy sự “thô sơ” trong cách tiếp cận vấn đề.

Từ góc độ người tham gia giao thông- những người không sử dụng xe thô sơ, sẽ rất khó chấp nhận thực tế rằng, cùng vi phạm pháp luật, cùng gây ra hoặc đe dọa gây ra nguy hiểm, mà có người phải chịu trách nhiệm pháp luật, người thì không. Cũng thật khó chấp nhận rằng, họ nộp phí để được đi trên các tuyến đường mang danh cao tốc, mà phải ngay ngáy lo tránh xe đạp, xe thô sơ như trên đường liên thôn liên xã, mà chưa thấy động thái quyết liệt nào để ngăn chặn vi phạm thường xuyên này. Rất khó chấp nhận thực tế rằng, quy định của pháp luật được xây dựng, bổ sung cho theo kịp với tình hình thực tiễn giao thông, với sự phát triển của hạ tầng, nhưng ban hành xong, lại không ai “sờ” đến.

Dĩ nhiên, một khi không thể chấp nhận thực tế nêu trên, hậu quả sẽ không chỉ dừng lại ở cảm xúc tiêu cực, trạng thái bất an, sự ức chế khi tham gia giao thông ở người điều khiển phương tiện, mà xa hơn, có thể dẫn đến sự tổn hại niềm tin vào tinh thần trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ, để mọi hành vi nguy hiểm đều được ngăn chặn; và đảm bảo rằng, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, trong đó có  pháp luật về giao thông.

Theo VOV Giao thông

Tin liên quan