Xử lý nạn đổ trộm phân bùn bể phốt ở Đại lộ Thăng Long: Khó hay làm ngơ?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Thời gian qua, hàng loạt các vụ đổ trộm phân bùn bể phốt (PBBP), rác thải nguy hại diễn ra trên địa bàn TP, đặc biệt là tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long khiến dư luận vô cùng bức xúc. Thế nhưng, dù các đơn vị có liên quan đã nhiều lần “kêu cứu”, lực lượng chức năng cũng đã biết, kiểm tra… nhưng đến nay, hành vi trên vẫn diễn ra như cơm bữa.

Vi phạm vẫn tái diễn
Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, trong năm 2020, hàng chục tấn PBBP đã bị đổ trộm ra tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long nhưng đến nay, danh tính của những đối tượng vi phạm vẫn là ẩn số. Cụ thể, ngày 10/2, tại khu vực Km12 tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long hướng đi Hòa Lạc thuộc địa bàn xã Song Phương, huyện Hoài Đức khoảng 3,4 tấn PBBP đã bị xả thẳng ra môi trường. Gần đây nhất, ngày 2/7, tại Km10+600 tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long, đoạn qua xã An Khánh, huyện Hoài Đức hướng vào nội thành, các lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện khoảng 4,5 tấn PBBP bị đổ trộm vào hệ thống cống thoát nước của tuyến đường và tràn ra lòng đường…
Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị mới đây cho thấy, không chỉ trở thành “điểm nóng” của nạn đổ trộm phế thải xây dựng, bùn đất, PBBP, tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long còn trở thành điểm đổ trộm các loại rác nguy hại, rác thải y tế. Ngày 1/7, trong quá trình tuần tra, dọn dẹp vệ sinh trên tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long, các công nhân vệ sinh môi trường đã phát hiện hơn 20 thùng carton chứa thuốc Tây y hết hạn sử dụng bị bỏ lại bên vệ đường. Trước đó, trong năm 2019, cũng trên tuyến đường này, lực lượng chức năng đã phát hiện 2 vụ đổ trộm phế thải nguy hại (các thùng phi chứa hóa chất) ra môi trường. Điều đáng nói, ở tất cả vụ việc trên, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra ngoài thực địa, có văn bản yêu cầu xử lý nghiêm… nhưng đến nay các vi phạm vẫn diễn ra với tần suất ngày càng dày.
Ký hợp đồng xử lý... khống
Xung quanh nạn đổ trộm PBBP trên tuyến Đại lộ Thăng Long, ông Trần Văn Khải – Phó Giám đốc Chi nhánh Cầu Diễn, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) – đơn vị duy nhất được cấp phép xử lý PBBP trên địa bàn TP Hà Nội cho biết, theo quy định, các đơn vị tổ chức bơm hút PBBP ngoài hợp đồng bơm hút, phải có hợp đồng xử lý với đơn vị được cấp phép xử lý PBBP. Tuy nhiên, hiện nay, ngoài Chi nhánh Cầu Diễn trực tiếp thu gom, xử lý PBBP còn có rất nhiều công ty khác, song không ít đơn vị chỉ có hợp đồng bơm hút, không có hợp đồng xử lý nên họ luôn tìm mọi cách để đổ trộm ra môi trường…
Lý giải về việc này, ông Khải cho biết, theo thiết kế Trạm xử lý PBBP Cầu Diễn có công suất 300m3/ngày đêm (tương đương 150 tấn chất thải rắn). Song, hiện nay, công suất thu gom, xử lý mới chỉ đạt tư 20 – 30 tấn/ngày đêm, rất nhỏ so với lượng PBBP phát sinh được thu gom hàng ngày. Cũng theo ông Khải, ngoài Trạm xử lý PBBP Cầu Diễn, tại các tỉnh lân cận như Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh cách Hà Nội quá xa để bảo đảm việc làm ăn có lãi của các đơn vị bơm hút, xử lý. Bởi, theo quy định của Nhà nước, chi phí xử lý 1 tấn PBBP chỉ là 122.000 đồng (chưa bao gồm VAT) nên không ít đơn vị ký hợp đồng xử lý PBBP khống, rồi tiến hành đổ trộm ra môi trường.
Đồng quan điểm trên, một số chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho biết, theo quy định, các xe chở rác thải nguy hại, chất thải y tế đều phải lắp định vị GPS. Do đó, nếu các lực lượng chức năng làm nghiêm, làm chặt (kiểm tra thiết bị GPS, hành trình, lộ trình di chuyển) của các phương tiện chuyên bơm hút PBBP, vận chuyển rác thải nguy hại, y tế thì mọi vướng mắc sẽ được giải quyết. Ngoài ra, chính quyền địa phương, CSGT, Thanh tra GTVT… trong quá trình làm việc, nếu phát hiện các loại xe bơm hút, vận chuyển rác thải nguy hại, y tế cần tiến hành kiểm tra hợp đồng bơm bút, vận chuyển, xử lý. “Khi phát hiện những phương tiện, DN không đáp ứng được những điều kiện theo quy định, cần báo ngay cho các lực lượng chức năng xử lý. Có như vậy, tình trạng đổ trộm PBBP, chất thải nguy hại mới được cải thiện” – một chuyên gia nhận định.
Ngày 20/5/2019, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, dọn dẹp vệ sinh trên tuyến Đại lộ Thăng Long, khi di chuyển đến khu vực cầu Đào Nguyên (Km10 + 815,8m) các công nhân vệ sinh môi trường thuộc Chi nhánh Urenco Cầu Diễn phát hiện một lượng lớn PBBP bị đổ trộm ra dải phân cách giữa làn đường cao tốc và tuyến đường gom. Chỉ sau đó một ngày (21/5/2019), cũng trên tuyến đường này, tại Km16 hướng vào nội thành, một lượng lớn PBBP tiếp tục bị đổ trộm gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.

Vân Nhi

Tin liên quan