Xử lý xe quá tải: Chế tài chưa đủ nặng hay không phải do chế tài?

 
Chia sẻ

Xe tải chở vật liệu xây dựng quá tải trọng vẫn thường xuyên diễn ra trên địa bàn thành phố Hà Nội. Điều đáng nói, mặc dù lực lượng chức năng thường xuyên xử lý vi phạm nhưng tình trạng này vẫn kéo dài nhiều năm nay…

- Em hôm nay mới ra Hà Nội lần đầu tiên, trước toàn chạy loanh quanh ở quê thôi, hôm nay ra lần đầu tiên đi theo xe này, em không biết đường, chỉ đi theo thôi, chả biết xúc ở tận trên đê xong em đi theo, không biết đường, hôm nay ra lần đầu tiên…

- Bọn em chỉ là lái thuê thôi chứ còn có phải chủ xe đâu? Chủ xe họ bị phạt thì mất tiền họ mới xót ruột chứ bọn em chỉ lái thuê thôi có động đến đồng lương của bọn em đâu mà em phải sợ…

Đó là lời “trần tình” của những tài xế xe tải chở vật liệu xây dựng bị lực lượng CSGT Hà Nội dừng xe vì lỗi chở quá tải và rơi vãi vật liệu dọc đường mà chúng tôi ghi lại được. Theo quy định, từ 21 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, xe tải, xe chở vật liệu xây dựng công trình siêu trường, siêu trọng được phép hoạt động, và phải có giấy phép lưu hành đặc biệt.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm giờ chạy cũng như vi phạm các quy định về tải trọng vẫn diễn ra khá phổ biến.

Xu ly xe qua tai: Che tai chua du nang hay khong phai do che tai? - Hinh anh 1
Tình trạng xe quá tải đã diễn ra nhiều năm nay

Thanh tra giao thông thành phố Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay đã lập biên bản xử lý 1.329 trường hợp, tổng tiền phạt trên 13 tỷ đồng đối với các trường hợp xe quá khổ, quá tải. Riêng xe tải làm rơi vãi, lôi kéo đất đá ra đường, đã lập biên bản vi phạm hành chính 3.729 trường hợp, phạt tiền trên 8 tỷ đồng, chiếm 51,34% tổng số vụ xử lý xe tải.

Con số này thoạt nghe có vẻ là nhiều, nhưng nếu chứng kiến 1 ca trực đêm của lực lượng CSGT công an thành phố Hà Nội mới thấy, tình trạng xe tải vi phạm khá phổ biến và diễn ra thường xuyên. Trung tá Nguyễn Đức Thắng - Đội phó Đội CSGT số 7, Phòng CSGT Công an thành phố Hà Nội lý giải về hiện tượng này: Qua công tác nắm tình hình hiện tại trên các tuyến đường, đặc biệt là các tuyến ngoại ô giáp ranh đi vào trung tâm đang có rất nhiều công trình xây dựng, như ở Đội CSGT số 7 có tuyến đường Quang Trung, Lê Trọng Tấn… xe tải thường xuyên hoạt động để phục vụ các công trình xây dựng. Chúng tôi cũng nắm được tình hình xe tải hoạt động ở đây có dấu hiệu vượt quá trọng tải cho phép; có dấu hiệu chở vật liệu rời, vật liệu xây dựng không che chắn không đảm bảo để rơi vãi. Chúng tôi cũng thường xuyên ra quân để tập trung xử lý.

Việc những chiếc xe tải chở vật liệu xây dựng ngang nhiên hoạt động, thậm chí cả vào khung giờ cấm không chỉ khiến giao thông hỗn loạn mà còn gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ TNGT, phá hỏng hạ tầng giao thông…

Để chấn chỉnh hoạt động này, đặc biệt, trong những tháng cuối năm, lực lượng CSGT công an Tp. Hà Nội bố trí nhiều chốt kiểm tra, xử lý trên các tuyến đường trọng điểm. Đồng thời trang bị cân điện tử “xách tay” kiểm tra tải trọng ngay tại hiện trường, kịp thời xử lý vi phạm của lái xe…

Xu ly xe qua tai: Che tai chua du nang hay khong phai do che tai? - Hinh anh 2
Lực lượng CSGT đội 7 kiểm tra tải trọng 1 xe tải chở vật liệu xây dựng tại chốt ngã tư Lê Trọng Tấn - Thanh Bình thuộc địa bàn quận Hà Đông...

Trung tá Nguyễn Đức Thắng cho biết thêm: Chúng tôi cũng đã mang cân trọng tải ra thực hiện cân các xe vượt quá trọng tải cho phép. Những cân này là loại cân rất hiện đại, rất mới được trang bị cho lực lượng CSGT. Trong quá trình thực hiện để xử lý cân trọng tải này mất rất nhiều thời gian, đồng thời phải am hiểu về kỹ thuật, chuyên môn để mình đặt cân cho đúng, để đạt đúng trọng lượng xe đang chở, tránh làm oan cho lái xe và cũng tránh để bỏ lọt khi họ chở quá trọng tải mà mình không cân được trọng tải…

Trên thực tế có rất nhiều tuyến đường Thủ đô đã xuống cấp nhanh chóng khi hằng ngày phải chịu đựng hàng trăm lượt xe quá tải trọng chạy qua, thậm chí có những xe khi kiểm tra quá tải tới 200 đến 300% tải trọng cho phép. Đại uý Trần Quang Trinh – Phó đội trưởng Đội CSGT số 6 cho biết: Chúng tôi sẽ xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm. Vì những lỗi vi phạm quá tải này là cố tình chứ không phải vô tình vi phạm. Chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với lãnh đạo của các công ty vận tải, đề nghị ký cam kết nếu còn vi phạm sẽ áp dụng theo Luật giao thông đường bộ xử lý ở mức nặng nhất…


Hiện nay, những quy định pháp luật về việc xử phạt các phương tiện xe tải chở quá tải trọng được cho là khá cụ thể và hình thức xử lý rất nặng. Tại Điều 24 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về mức xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vượt trọng tải giao động từ 800 ngàn đồng tới 12 triệu đồng. Đồng thời, tùy mức độ vi phạm tài xế sẽ bị tước giấy phép lái xe từ 1 đến 5 tháng; cả chủ xe cũng sẽ bị xử phạt và tùy theo tỷ lệ quá tải, mức xử phạt đối với chủ xe sẽ từ 2 triệu đồng tới 40 triệu đồng…

Trong tất cả các báo cáo hằng tháng của lực lượng thanh tra giao thông hay CSGT công an thành phố Hà Nội đều thường xuyên nêu các số liệu về tình hình kiểm tra, xử lý xe tải vi phạm. Thế nhưng, tình trạng xe chở quá tải tiếp tục tái diễn và trở thành nỗi ám ảnh của người dân Thủ đô. Như vậy, có thể hiểu, nhiều chủ phương tiện sẵn sàng vi phạm, sẵn sàng nộp phạt để tiếp tục hoạt động? Hay vẫn còn tình trạng bỏ lọt, bỏ sót, chưa xử lý triệt để của các lực lượng chức năng?

Xe quá tải - Vấn nạn khó chấm dứt?

Xu ly xe qua tai: Che tai chua du nang hay khong phai do che tai? - Hinh anh 3
Có những xe vượt quá tải trọng quy định 300%

Tình trạng xe quá tải vẫn ngang nhiên hoạt động trên khắp cả nước, đặc biệt trên địa bàn Thủ đô, khiến cho người dân ở nhiều nơi đã phải gửi đơn kêu cứu tới chính quyền vì tình trạng mất ATGT, ô nhiễm môi trường, hạ tầng giao thông xuống cấp nghiêm trọng. Nhưng vấn nạn này hầu như rất khó chấm dứt?...

Trong khi chúng ta vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ, vẫn phải đóng phí bảo vệ môi trường. Nhưng chất lượng đường bộ, chất lượng môi trường mỗi ngày một xuống cấp, trong đó, góp phần không nhỏ là hàng ngàn chiếc xe tải quá khổ, quá tải, rơi vãi vật liệu vẫn chạy rầm rập hằng ngày.

Trên thực tế đôi lúc vẫn xảy ra tình trạng xin cho, hoặc xử lý không triệt để, thậm chí khó xử lý. Nhưng trên hết vẫn là sự khó khăn khi xử lý những chiếc xe quá tải này. Đây có lẽ cũng là 1 trong những nguyên nhân khiến lái xe nhờn luật, chủ phương tiện thì cố tình vi phạm hết lần này đến lần khác?

Một cán bộ CSGT cho biết, nhiều trường hợp xe chở bê tông bị bắt vì chở quá tải nhưng nếu dừng xe để kiểm tra, bê tông sẽ nhanh chóng bị đông cứng, thậm chí phải cưa bom trộn bê tông để hạ tải. Những trường hợp như vậy sẽ gây thiệt hại rất lớn cho chủ phương tiện, đồng thời lượng vật liệu xây dựng hỏng không biết phải xử lý ra sao? Nên nhiều lúc “đành” phải xử nhanh rồi cho tiếp tục lưu thông?

Bên cạnh đó, hầu hết các chiến sĩ cảnh sát giao thông vẫn chưa có bằng lái xe tải hạng nặng, nên khi tạm giữ xe đưa về bãi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Bởi, lúc này lái xe đã bị xử lý vi phạm thì không thể điều khiển phương tiện được nữa.

Những ngày vừa qua, dư luận cả nước xôn xao về thông tin, Công an tỉnh Đồng Nai tạm đình chỉ công tác đối với trung tá Phạm Hải Cảng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 2 và trung tá Phan Cẩm Tú - Đội phó Đội cảnh sát giao thông số 1 (thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Công an tỉnh). Đây là 2 cán bộ bị cấp dưới tố có hành vi “bảo kê” xe quá tải.

Sự việc đang từng bước được xử lý, hy vọng rằng đây sẽ là bài học kinh nghiệm cho lực lượng chức năng để siết chặt lại hoạt động xử lý phương tiện vận tải trên khắp cả nước, để người dân được tham gia giao thông an toàn và không phải hít thở khói bụi xả ra từ những chiếc xe quá tải chạy trên đường.

Nếu xử lý không triệt để, giải quyết kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” như hiện nay, thì thật dễ hiểu, khi người dân thắc mắc phải chăng có sự "mập mờ"  trong xử lý xe quá tải!?

Theo VOV Giao Thông

Tin liên quan