Xử nghiêm án giao thông để ngăn ngừa tai nạn

 
Chia sẻ

Thời gian qua, trên toàn quốc xảy ra nhiều vụ TNGT gây bức xúc dư luận, song việc xét xử, xử lý không kịp thời, hoặc không được công bố rộng rãi khiến tác dụng giáo dục, răn đe từ các vụ việc này rất thấp.

Từ thực tế này, một số ý kiến cho rằng, cùng với việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, cần đưa ra xét xử và công bố thông tin rộng rãi các vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng hoặc gây bức xúc dư luận để tăng tác dụng răn đe, qua đó góp phần ngăn ngừa TNGT.

Năm 2011, trong lần đi học qua đê Hữu Hồng, em Nguyễn Thị Hồng, sinh viên năm cuối Trường Trung cấp Kinh tế- Du lịch Hoa Sữa bị một chiếc ô tô đâm phải, khiến em bị gãy quai hàm, trẹo đốt sống cổ, liệt tứ chi. Chỉ có sự nỗ lực không mệt mỏi của bố mẹ mới cứu sống được em. 

Xu nghiem an giao thong de ngan ngua tai nan  - Hinh anh 1
Mặc dù nhiều vụ TNGT gây bức xúc dư luận, song việc xét xử, xử lý vẫn chưa được công bố rộng rãi

Nhưng người gây tai nạn và chủ xe đã dỗ ngon dỗ ngọt với lời hứa sẽ bồi thường và có trách nhiệm với em để gia đình nạn nhân rút đơn tố cáo. Sau khi gia đình rút đơn, họ đã bỏ mặc bố mẹ Hồng xoay xở với đứa con độc nhất từ một sinh viên với tương lai rộng mở, hơn 8 năm nay, Hồng trở thành người tàn phế: “Hiện giờ sức khỏe cháu ổn thôi, còn khả năng phục hồi chân tay của cháu chưa có gì hơn, cảm giác không có gì, đại tiểu tiện không tự chủ được. Bây giờ phải nhờ bố mẹ suốt thôi. Bố mẹ cháu cũng gần 70 rồi, vài năm nữa yếu thì không biết thế nào nữa”.

Một trường hợp khác là em Trần Lê Minh Trang (19 tuổi, sinh viên năm thứ 2 một trường đại học ở Hà Nội) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Hơn 23 giờ đêm 7/12/2018, trên đường đi làm thêm về, đến phố Bà Triệu, Trang bị một tài xế điều khiển chiếc xe Range Rover vượt đèn đỏ tông trúng khiến nạn nhân phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng dập não, gãy xương đùi phải, đa chấn thương. 

Ông Trần Văn Quân, bố em Trang chia sẻ, đến nay, vụ việc đã rõ nhưng cơ quan chức năng vẫn không truy tố đối tượng gây tai nạn, dù sức khỏe Trang chưa thể phục hồi. Ông Quân gần như đã hết hi vọng vào việc làm sáng tỏ vụ tai nạn: “Bác không chờ đợi gì. Chỉ mong qua những cái này rút kinh nghiệm để lo cái phúc cái đức cho đời mình, đời con”.

Rất nhiều vụ việc gây phẫn nộ dư luận không được xét xử kịp thời khiến người dân rất bức xúc:

“Theo em phải công khai thật mạnh, làm nhiều xử lđiểm để răn đe cho xã hội an toàn”.

“Tại sao người ta lại làm được để không bị truy tố thì cái vấn đề đấy phải tìm hiểu, mà phải làm từ đấy mà ra, chứ anh bảo nếu bây giờ như nhà không có người nhà chẳng hạn thì đấu làm sao được với người ta”.

“Tôi muốn công khai tất cả mọi thứ lên thông tin đại chúng, chứ không để cứ cậy con ông cháu cha, cậy quen biết mà ỉm đi là không nên. Tất cả nên phải răn đe, kể cả người có quyền có chức răn đe hết để làm gương cho người khác”. 

“Bản thân tôi tôi cũng thấy bức xúc, mình phải làm đúng thì thôi. Mong muốn làm sao xử đúng người đúng tội thôi, càng công khai càng tốt”.

Tại buổi họp sơ kết tình hình trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm 2019 diễn ra mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, những năm vừa qua, Cục CSGT đã phối hợp với Tòa án, Viện Kiểm sát xét xử hơn 3.000 trường hợp gây TNGT. Thời gian tới, Bộ Công an sẽ phối hợp với ngành tư pháp để xử điểm những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, những vụ TNGT nhạy cảm: “Cục C08 đang phối hợp với văn phòng cơ quan điều tra của Bộ đi kiểm tra về việc tiếp nhận và thụ lý cũng như điều tra đối với những vụ án TNGt và sẽ đưa ra xét xử điểm đối với những vụ mà chúng tôi thấy cần phải quan tâm và những khu vực chúng tôi thấy cần phải quan tâm”.

Tán thành với việc tăng cường xét xử và xử điểm những vụ TNGT,  luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Văn phòng Luật sư Phạm Danh cho rằng, việc xét xử các vụ án giao thông là cần thiết, song hiệu quả giáo dục, răn đe sẽ không đạt được khi thông tin không được công bố công khai: “Việc xử lý nghiêm minh đúng mực các đối tượng gây TNGT và công bố rộng rãi các án lệ, các án giao thông là điều vô cùng cần thiết bởi vì thông qua đó sẽ phần nào giúp người dân nắm được quy định pháp luật và nhìn thấy trước chế tài xử lý của Nhà nước khi thực hiện các hành vi tương tự, qua đó phần nào răn đe người dân và người vi phạm”.

Nhiều năm làm công tác báo chí, tuyên truyền, nhà báo Ngọc Thọ, Phó Tổng thư ký tòa soạn Báo Pháp luật TP. HCM cho biết, thực tế nếu người vi phạm là người dân bình thường thì việc cơ quan chức năng xử lý đến đâu, xử lý như thế nào thì nhà báo rất dễ tiếp cận và lấy thông tin.. Còn nếu người vi phạm là quan chức càng cấp cao thì việc tiếp cận quá trình xử lý của cơ quan chức năng càng khó: “Ví dụ người vi phạm là một người làm trong ngành chẳng hạn, thì sau đó quá trình lấy những thông tin thì những trường hợp như vậy sẽ rất khó, cơ quan chức năng họ ít khi cởi mở cho báo chí lắm”.

Mỗi năm cả nước xảy ra hàng chục nghìn vụ TNGT, làm chết hơn 8.000 người và hàng chục nghìn người khác bị thương. Nhưng hầu như các thông tin về xét xử các vụ án TNGT rất ít. Điều này dù với bất cứ nguyên nhân gì cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả tuyên truyền, răn đe với người vi phạm, đồng thời cũng khiến cho những gia đình có người thân bị TNGT chưa thể an lòng. 

Xu nghiem an giao thong de ngan ngua tai nan  - Hinh anh 2
Những tồn tại trong công tác xét xử các vụ án vi phạm TTATGT gây hậu quả nghiêm trọng đã và đang gây ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào sự nghiêm minh của pháp luật

Ngừa TNGT: Cần xử mạnh và nói mạnh!

Trong số hơn hai mươi vụ TNGT dẫn đến chết người xảy ra mỗi ngày trên cả nước, loại trừ các nguyên nhân tự gây tai nạn và rủi ro khác, thì tình huống va chạm do vi phạm các quy định ATGT dẫn đến hậu quả nghiêm trọng vẫn chiếm tỷ lệ chủ yếu. Điều đó cũng có nghĩa, mỗi ngày, có từng đó vụ TNGT có dấu hiệu hình sự cần khởi tố. Tuy nhiên, số vụ việc được đưa ra xét xử lại chỉ dừng lại ở hàng chục, hoặc vài trăm.

Có những lý do từ phía gia đình nạn nhân, do tâm lý e ngại, không muốn khơi lại nỗi đau, không muốn vướng thêm vào các thủ tục pháp lý phiền hà sau khi đã mất đi người thân hoặc chịu hậu quả nặng nề do chấn thương, nên thường chấp nhận phương án thỏa thuận, bồi thường, trừ những trường hợp cảm thấy vụ việc quá bức xúc oan uổng cho người thân của mình. 

Còn về phía người gây tai nạn, đương nhiên luôn tìm cách giải quyết vụ việc theo hướng giảm nhẹ nhất trách nhiệm pháp lý, không ngoại trừ cả những cách tác động, can thiệp mà pháp luật không cho phép.

Điều đó dẫn đến tình trạng, số vụ việc được đưa ra xét xử còn rất khiêm tốn so với yêu cầu. Chưa nói đến tính răn đe đối với người tham gia giao thông, mà ngay cả với bản thân tài xế gây tai nạn, nếu thoát được trách nhiêm pháp lý, hoặc mức án rất nhẹ so với hậu quả của hành vi, thì khả năng lặp lại và tiếp tục gây tai nạn là hoàn toàn có thể.

Về tiến độ, không thể đòi hỏi việc khởi tố và đưa ra xét xử các vụ án vi phạm TTATGT đạt tiến độ như mong đợi của người dân, trong nỗi bức xúc trước những hành vi vi phạm trắng trợn, gây nên hậu quả thảm khốc. Bởi lẽ, sự nghiêm ngặt về trình tự, thủ tục của quá trình tố tụng, đặc biệt là công tác điều tra là yêu cầu hết sức cần thiết, để đảm bảo vụ án được xét xử nghiêm minh, đúng người đúng tội. 

Song, thường thì các vụ án chỉ được đưa ra xét xử rất lâu so với thời điểm nó xảy ra. Dư luận gần như đã quên, nên thông tin về việc xét xử- nếu có xuất hiện, cũng sẽ như bao vụ việc khác, ít được chú ý. Giá trị giáo dục pháp luật đối với cộng đồng, giá trị củng cố niềm tin vào công lý, theo đó, cũng ít nhiều bị giảm bớt.

Chưa kể, sau khi bản án đã tuyên, quá trình thi hành án có được thực hiện nghiêm túc hay không? Cơ quan chức năng làm gì để đảm bảo hiệu lực của bản án, tránh tình trạng nạn nhân cả chục năm mòn mỏi đợi bồi thường mà bị cáo vẫn nhởn nhơ, như đã từng xảy ra?

Những tồn tại này trong công tác xét xử các vụ án vi phạm TTATGT gây hậu quả nghiêm trọng đã và đang gây ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào sự nghiêm minh của pháp luật, làm giảm hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn TNGT, nên cần được nhìn nhận thẳng thắn để khắc phục trong thời gian tới. Và đó cũng là cách triệt để nhất làm an lòng gia đình người bị TNGT, giải tỏa những khúc mắc, ẩn ức cho họ, thay vì chỉ tổ chức cầu siêu hay thăm viếng theo kỳ cuộc.

Song song với đó, hoạt động truyền thông về việc xét xử các án TNGT cũng cần được đẩy mạnh, với sự chủ động cao hơn nữa của tòa án và các cơ quan thực thi pháp luật, nhất là với các vụ án “điểm”, qua đó tuyên truyền, giáo dục và răn đe ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT. 

Bởi không có gì nhắc nhở, cảnh báo người tham gia giao thông tốt hơn là những hậu quả nhãn tiền mà một người khác – với hành vi tương tự, vừa phải trả giá./.

VOV Giao Thông

Tin liên quan