Xử phạt lái xe say rượu: Tăng chế tài là cần thiết

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Sau Bộ GTVT, đến lượt Bộ Công an vừa có nghiên cứu, đề xuất chế tài nghiêm khắc đối với hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.

Doanh nghiệp vận tải cũng sẽ bị phạt nặng
Trong buổi họp báo chiều 26/6, Trung tướng Lương Tam Quang – Chánh Văn phòng Bộ Công an đánh giá, việc Luật Phòng chống tác hại của bia, rượu vừa được Quốc hội thông qua là một bước tiến vô cùng quan trọng trong cuộc đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn sử dụng bia, rượu khi tham gia giao thông.
Bộ Công an đang giữ vai trò là cơ quan tham mưu trong việc xây dựng chế tài xử phạt đối với hành vi sử dụng bia, rượu khi lái xe. Một trong những giải pháp được Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất là nâng chế tài xử phạt thật nặng đối với lái xe sử dụng rượu, bia như tước giấy phép lái xe (GPLX), nâng mức xử phạt hành chính... Đặc biệt, trong nghiên cứu lần này, Bộ Công an xem xét đến cả chế tài xử phạt đối với các DN kinh doanh vận tải có tài xế bị phát hiện sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn.
“Bộ Công an sẽ đề xuất Chính phủ ban hành chế tài xử lý tài xế uống rượu bia ở mức cao, chẳng hạn tước bằng vĩnh viễn hay thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải DN nếu để tài xế lái xe khi có nồng độ cồn” – Trung tướng Lương Tam Quang nói.
Liên quan đến tình hình tai nạn giao thông (TNGT), theo số liệu thống kê mới nhất của Ủy ban ATGT Quốc gia, trung bình mỗi năm trên địa bàn cả nước có tới 15.000 người chết vì TNGT, trong đó 4.800 trường hợp có liên quan đến việc sử dụng bia, rượu. Tình hình diễn biến ngày càng phức tạp khiến dư luận bức xúc và nhiều đơn vị, cơ quan chức năng vào cuộc. Mới đây nhất, một chương trình đi bộ kêu gọi “Đã uống rượu bia không lái xe” với sự tham gia của hàng ngàn người được Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức tại Hà Nội. Sau đó, phong trào này đã lan tỏa tới nhiều địa phương trên cả nước.

"Chế tài xử phạt không chỉ áp dụng với tài xế mà còn phải có một chế tài riêng, nghiêm minh với cả những DN kinh doanh vận tải có tài xế sử dụng rượu, bia khi lái xe. DN vận tải là chủ thể có ảnh hưởng lớn nhất đối với lái xe và cũng là đơn vị biết rõ nhất về hành trình và điều kiện sức khỏe của lái xe. Vì thế, khi DN vận tải có tài xế dùng bia, rượu rồi lái xe, gây tai nạn thì đương nhiên phải chịu liên đới trách nhiệm." -TS Trần Hữu Minh -Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để cuộc đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông thật sự phát huy được hiệu quả, ngoài những hoạt động phong trào kêu gọi, điều quan trọng nhất là cần sớm xây dựng được một hành lang pháp lý cụ thể, đủ mạnh, đủ sức răn đe.
Phải mạnh tay
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia giao thông cho biết, tại các nước phát triển trên thế giới, hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông bị xử phạt rất nặng, ngoài phạt hành chính còn tước GPLX, phạt lao động công ích... Mức phạt tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp. “Chính vì chế tài xử phạt nặng như thế nên ở những quốc gia đó, hầu như rất hiếm khi có trường hợp dùng rượu, bia khi lái xe tham gia giao thông” – TS Nguyễn Hữu Đức nói.
Về phương pháp test nồng độ cồn của lái xe, TS Nguyễn Hữu Đức cho biết, các nước phát triển đã nghiên cứu và xây dựng được phương pháp đơn giản nhưng mang lại hiệu quả rất cao, độ chính xác lên tới 98%. Đó là 3 bài kiểm tra được chuẩn hóa để phát hiện những trường hợp lái xe có hại (thuật ngữ quốc tế là Driving Under the Influence).
Một là kiểm tra rung giật nhãn cầu; hai là kiểm tra đi và xoay người; ba là kiểm tra đứng một chân. “Tôi nghĩ nước ta có thể nghiên cứu, học hỏi và áp dụng phương pháp này” – TS Nguyễn Hữu Đức nói.
Ủng hộ đề xuất tăng chế tài xử phạt đối với hành vi sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, TS Trần Hữu Minh – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia khẳng định, những vụ TNGT thảm khốc do tài xế sử dụng rượu bia gây ra trong thời gian qua là bằng chứng sinh động nhất cho thấy vấn nạn “me men” sau tay lái đang gây nhức nhối trong xã hội. Chính vì thế, việc các cơ quan nghiên cứu đưa ra những chế tài xử phạt có sự răn đe mạnh hơn đối với hành vi sử dụng rượu, bia khi lái xe là điều hết sức cần thiết.

Quý Nguyễn

Tin liên quan