Với tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, ngoài các nút giao đang hiện hữu, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh kiến nghị được mở thêm một nút ra, vào kết nối với Long Phước, TP.Thủ Đức. Trên tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, TP Hồ Chí Minh cũng mong muốn mở thêm nút ra, vào nối với đường Rừng Sác đi qua huyện đảo Cần Giờ. Bởi hiện nay, tuyến cao tốc này có gần một nửa đi qua huyện Cần Giờ nên việc xây dựng đường nối vào là điều cần thiết.
Không chỉ TP Hồ Chí Minh, nhiều địa phương phía Nam cũng mong muốn được mở thêm các nút ra, vào đường cao tốc, nhất là khi trục cao tốc Bắc - Nam dần hình thành, kết nối nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
|
Mở thêm các đường ra, vào cao tốc phía Nam là rất cần thiết. Ảnh: Đoàn Xá |
Cụ thể, tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương đi qua tỉnh Long An cũng được đề xuất mở thêm nút ra, vào tại huyện Thủ Thừa, nằm ở khu vực trạm dừng chân Châu Thành. Sắp tới một nút khác nằm trên địa bàn huyện Bến Lức cũng được xây dựng để kết nối cao tốc này và đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.
Tương tự, tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thuộc trục cao tốc Bắc – Nam vừa mới đưa vào khai thác, tỉnh Vĩnh Long cũng kiến nghị được mở thêm nút ra, vào nối với đường Võ Văn Kiệt, TP.Vĩnh Long. Hiện trục cao tốc Bắc - Nam có đường dẫn nối tới TP.Vĩnh Long nhưng khá xa trung tâm, bất tiện cho phương tiện đi lại và dễ ùn tắc, kẹt xe.
Tỉnh Bình Thuận, nơi có tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo đang khai thác và Dầu Giây - Tân Phú khởi công trong năm nay cũng đề xuất mở thêm nút ra, vào cao tốc. Hiện 2 nút ra, vào TP.Phan Thiết đang có lượng phương tiện rất lớn.
Bên cạnh đó, từ 2 nút ra này dẫn tới trung tâm TP.Phan Thiết đều khá xa nên cần bổ sung một nút ra khác kèm theo tuyến đường dẫn thẳng vào trung tâm thành phố để rút ngắn lộ trình cho phương tiện. Điểm đặc biệt của tuyến đường này là sẽ đi qua ga đường sắt, tăng thêm kết nối cho các hạ tầng trong khu vực.
Ngoài ra, Bình Thuận cũng đề xuất xây dựng thêm một nút ra, vào của tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú tại huyện Tánh Linh.