Sửa cầu cũ, thay cầu yếu: Ngăn thảm họa, tăng an toàn giao thông

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Sau bão số 3, nguy cơ mất an toàn giao thông từ những cây cầu yếu, cầu cũ lại một lần nữa được đặt ra với Hà Nội, đặc biệt là từ bài học sập cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ).

TP Hà Nội cần dành nhiều sự quan tâm hơn nữa đến những công trình đang hiện diện ở mọi cấp độ giao thông này, nhằm ngăn ngừa những thảm họa, tăng cường năng lực giao thông, đáp ứng mong mỏi của người dân.

Nhận diện rõ nguy cơ

Theo thông tin của Sở GTVT Hà Nội, hiện có 55 công trình cầu do TP quản lý cần thiết phải đầu tư cải tạo, sửa chữa; 89 công trình cầu yếu, cầu tạm do quận, huyện, thị xã quản lý cần đầu tư xây dựng mới, thay thế, cải tạo.

Sua cau cu, thay cau yeu: Ngan tham hoa, tang an toan giao thong - Hinh anh 1
Cầu Long Biên trong một đợt tu sửa. Ảnh: Ngọc Biển

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết: “Ngay trước mùa mưa bão năm 2024, nhận diện những nguy cơ tiềm ẩn từ cầu cũ, cầu yếu, Sở đã có báo cáo với UBND TP đề xuất lập kế hoạch, chi ngân sách để khắc phục. Đồng thời Sở cũng đã đề nghị các đơn vị, địa phương liên quan có biện pháp tạm thời bảo đảm an toàn cho người dân khi lưu thông qua cầu cũ”.

Nhìn từ bài học đắt giá của tỉnh Phú Thọ, nơi mà cây cầu Phong Châu đột ngột sập đổ một phần, gây thương vong nặng nề về người, có thể thấy những kiến nghị của Sở GTVT Hà Nội là rất xác đáng, tham mưu kịp thời cho UBND TP. Trong nhóm các công trình cầu yếu do địa phương đề xuất, có rất nhiều công trình kết cấu tạm bợ, không ổn định, do người dân tự dựng lên để đáp ứng nhu cầu đi lại giao thương buôn bán trong khu vực. Một số khác đã xây dựng, đưa vào sử dụng từ nhiều năm, công tác quản lý, duy tu, kiểm soát tải trọng gặp không ít khó khăn nên đã hư hỏng kết cấu chịu lực.

Với cầu bê tông, những dấu hiệu dễ nhận thấy nhất: hệ thống dầm bị nứt vỡ; lớp phủ mặt cầu, khe co giãn, lan can cũng hư hỏng nặng… Còn với cầu thép, các dầm và hệ liên kết ngang hầu hết đều bị rỉ sét, dầm chủ nhiều cầu bị đứt gãy, rỉ thủng… không bảo đảm khả năng liên kết, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.

Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành chia sẻ, nhiều năm qua, hệ thống đường giao thông mọi cấp độ của Hà Nội đã được đầu tư mở rộng, nhưng một số tuyến lại chưa đồng bộ được năng lực do vẫn tồn tại cầu cũ, cầu yếu. “Nhiều cầu có mặt cắt ngang chưa đồng bộ với quy mô mặt đường, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cho người và phương tiện lưu thông qua. Chiều rộng cầu nhỏ hơn chiều rộng của đường đầu cầu, làm tính chất liên tục của tuyến đường giao thông bị co thắt, gián đoạn…” - ông Phan Trường Thành nhận định.

Trên thực tế, đa số cầu yếu do Sở GTVT Hà Nội thống kê đều phải hạn chế tải trọng, nhiều cầu chỉ đủ đáp ứng tải trọng của xe thô sơ, xe máy..., làm ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác của cả đoạn tuyến. Cá biệt một số cầu tuy kết cấu đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không cắm biển hạn chế tải trọng, các phương tiện quá khổ quá tải vẫn thường xuyên lưu thông. Đó chính là một trong những nguy cơ lớn nhất đe dọa an toàn của người dân khi lưu thông qua cầu cũ, đặc biệt khi có thiên tai, mưa lũ diễn biến phức tạp kéo dài.

Ngay trong tâm mưa bão, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Công điện số 14/CĐ- UBND về tăng cường công tác kiểm soát, bảo đảm an toàn khai thác các công trình cầu trên địa bàn TP do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Hàng loạt cầu đã phải cấm hoàn toàn lưu thông trong mưa bão. Nhưng tất cả đó chỉ là giải pháp tình thế. Nếu không nhanh chóng sửa chữa, thay thế nguy cơ xảy ra thảm họa sẽ vẫn còn hiện diện trên những cầu yếu, cầu cũ của Thủ đô.

Cần nhất là quyết tâm

Huyện Chương Mỹ là một trong những khu vực thường xuyên phải hứng chịu tác động tiêu cực của thiên tai. Đây cũng là địa phương đang tồn tại nhiều cầu yếu, cầu cũ cần thay thế, sửa chữa. Ông Lê Văn Trung (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ) bày tỏ: “Sau vụ sập cầu Phong Châu ai cũng sợ. Ở huyện tôi còn một số cầu yếu, cũ kỹ không bảo đảm an toàn, rất mong được TP quan tâm, đầu tư cho”. Đó cũng là mong mỏi của đông đảo Nhân dân Thủ đô, đặc biệt là vùng nông thôn, ngoại thành.

Có thể nói, nguy cơ tiềm ẩn từ những cây cầu yếu đã được Hà Nội nhận diện rõ, giải pháp cũng đã có. Điều cần nhất hiện nay là quyết tâm chính trị của cả hệ thống chức năng và sự ủng hộ của người dân. Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành chia sẻ: “Cần nhất vẫn là quyết tâm chính trị. Mỗi cây cầu cũ, nhỏ, xuống cấp chỉ cần vài chục đến khoảng trăm tỷ đồng để sửa chữa, thay mới. Tổng nguồn vốn đầu tư cho 144 cây cầu chưa chắc đã bằng một đại dự án giao thông, nhưng đó là niềm mong mỏi của cả triệu người dân Hà Nội”.

Mặt khác, nhiều chuyên gia cho rằng việc thay thế cầu cũ còn có ý nghĩa rất quan trọng về giao thông, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, tăng cường nội lực cho TP ứng phó với thiên tai. Cầu đồng bộ năng lực với đường sẽ giúp phát huy hết giá trị của hạ tầng, mở ra những mạch máu thông thương hữu ích cho mỗi địa phương và cả TP. Khi thiên tai, mưa bão, những cây cầu sẽ bảo đảm lưu thông cho người dân, giảm thiểu rủi ro, nguy cơ thảm họa. Đặc biệt nếu được sửa chữa, thay thế, điều chỉnh phù hợp, sẽ không còn hiện tượng phải cấm lưu thông qua cầu Long Biên, cầu Đuống; phân luồng đi tránh cầu Trung Hà như những ngày mưa bão vừa qua.

Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội cũng đã đề nghị các địa phương rà soát lại toàn bộ công tác quản lý, sử dụng cầu trên địa bàn. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hư hỏng cầu đường là do công tác duy tu, duy trì chưa tốt, kiểm soát tải trọng xe chưa chặt chẽ…

Để bảo đảm an toàn cho công trình cầu cũng như giảm thiểu nguy cơ xuống cấp, mất an toàn, Hà Nội cần siết chặt hơn nữa việc kiểm soát tải trọng xe, nhất là ở khu vực ngoại thành. Công tác duy tu, duy trì cần được chuẩn hóa, thực hiện thường xuyên bởi đội ngũ chuyên nghiệp để tránh lãng phí, ngăn ngừa rủi ro với công trình và người dân.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, về cơ bản, công tác sửa chữa, duy tu, bảo trì cho các cầu do quận, huyện, thị xã quản lý còn hạn chế; ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, an toàn công trình. Bên cạnh đó, công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ của công trình cầu còn nhiều tồn tại bất cập, ảnh hưởng tới công tác kiểm định, đánh giá. Do đó việc rà soát, thống kê danh mục cầu yếu, cầu cũ, lên kế hoạch sửa chữa, thay thế vẫn cần tiếp tục tiến hành. Trước mắt Sở GTVT đã đưa ra danh mục 144 cầu cần xử lý ngay, đồng thời đề xuất phương án vốn từ nguồn ngân sách TP, kết hợp ngân sách địa phương.

Minh Tường

Tin liên quan