Theo Thủ tướng, nếu sử dụng cát nhân tạo được nghiền từ các loại đá để thay thế hoàn toàn cát tự nhiên thì cần khai thác các mỏ đá với khối lượng rất lớn, cũng như phải bố trí rất nhiều dây chuyền sản xuất mới đáp ứng đủ nhu cầu và giá thành thì cao hơn nhiều so với cát tự nhiên. Cát nhân tạo chỉ nên được ưu tiên sử dụng ở một số hạng mục với khối lượng không lớn như: sản xuất bêtông nhựa, bêtông xi măng...
Hiện nay, nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp, đắp nền cho các dự án tại ĐBSCL rất lớn. Riêng 4 dự án cao tốc trọng điểm đang triển khai cần khoảng 56 triệu m3, chưa kể nhu cầu vật liệu cát để đắp nền cho các dự án khác do địa phương làm chủ đầu tư.
Nhu cầu cao nhưng nguồn cung tại chỗ hạn chế khiến nhiều tuyến cao tốc trọng điểm nguy cơ chậm tiến độ. Đơn cử, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài 110 km cần 18,1 triệu m3 cát nhưng mới được cung ứng gần 1,5 triệu m3 (8%) khiến công trình chậm 3 tháng.
|
Khai thác cát sông ở ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn do nguy cơ sạt lở cũng như lượng lượng cát đổ về từ thượng nguồn Mekong vào Việt Nam qua sông Tiền và sông Hậu thấp hơn nhiều so với ước tính trước đây. Ảnh: Ngọc Tài |
Để đáp ứng kịp thời nguồn cát đắp cho các dự án, Bộ GTVT đã triển khai Dự án thí điểm sử dụng nguồn cát biển thay thế cát sông. Kết quả cho thấy cát biển ở tỉnh Trà Vinh đáp ứng các yêu kỹ thuật làm nền đường ôtô, có thể sử dụng cát biển/cát nhiễm mặn đắp nền đường ôtô trong điều kiện nhiễm mặn tương tự như khu vực thí điểm.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, dự án thí điểm với quy mô nhỏ, thiết kế thấp hơn cao tốc, chất lượng cát biển mới nghiên cứu cho một khu vực. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn về độ mặn đối với cây trồng vật nuôi chưa đầy đủ. Việc sử dụng đại trà cát biển để xây dựng đường ôtô cần được tiếp tục thí điểm mở rộng để đánh giá toàn diện.
Bộ TNMT cũng đã hoàn thành một phần Dự án đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL. Theo đó, chất lượng cát biển tại khu vực biển 0-10 m nước tỉnh Sóc Trăng đạt yêu cầu làm vật liệu đắp nền đường theo TCVN 9436:2012. Tỉnh cùng Bộ GTVT đang làm thủ tục khai thác phục vụ thi công thí điểm mở rộng.
|
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng thị sát các dự án cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Báo Giao thông
|
Về giải pháp xây dựng cao tốc trên cầu cạn tại ĐBSCL thay cho xây dựng cao tốc trên nền đất yếu, Thủ tướng cho biết đã giao cho Bộ GTVT nghiên cứu. Tuy nhiên, các giải pháp xây dựng cầu cạn đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, cao hơn khoảng 2,6 lần so với đắp nền.
Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư có hạn, nguồn vật liệu cát khu vực ĐBSCL vẫn có khả năng đáp ứng cho các cao tốc đang triển khai giai đoạn 2021-2025, nên các dự án chủ yếu đang đắp nền bằng cát; xây dựng cầu cạn cho đoạn tuyến có chiều sâu đất yếu, bảo đảm tiêu chí về môi trường, thoát lũ... và có chi phí đầu tư hợp lý.