Tuy nhiên, cũng có không ít những con đường, khi xây dựng xong rất đẹp đẽ, êm thuận, nhưng chỉ ít lâu sau lại bị đào xới, cào bóc rồi khi lấp lại trở nên gồ ghề, bong tróc, méo mó đến xót xa.
Nguyên nhân những tuyến đường tiền tỷ đó bị đào xới, cào bóc là do phải triển khai các dự án hạ ngầm đường dây điện, ống nước, cáp viễn thông… Xót xa nhất là sau khi công trình ngầm hoàn thành, không ít đơn vị thi công hoàn trả mặt đường theo kiểu “bỏ của chạy lấy người”, để lại những vết lồi lõm, bong tróc dầm mưa dãi nắng ngày qua ngày.
Không chỉ mở mới, mỗi năm Hà Nội còn phải chi không ít kinh phí để duy tu, sửa chữa đường sá nhằm bảo đảm an toàn giao thông (ATGT), mỹ quan đô thị. Vậy mà vẫn có những tuyến đường liên tục bị đào đi xới lại, nay sửa mai cắt khiến người dân vừa ngao ngán, vừa đau xót.
|
Ảnh minh hoạ |
Có một thực tế là công tác đầu tư xây dựng hạ tầng tại Hà Nội chưa được đồng bộ, dự án nào có trước làm trước. Và không ít dự án đường có trước công trình hạ ngầm xuống sau. Bất cập hơn là đơn vị thi công hạ ngầm rồi hoàn trả mặt đường lại chẳng liên quan gì đến đơn vị xây dựng, duy tu bảo dưỡng đường sá. Dẫn đến mạnh ai nấy làm, cốt cho được việc của mình. Các công ty, xí nghiệp được giao quản lý, duy tu đường nhiều khi bất lực trước nạn đào trước báo sau, đặc biệt là khâu hoàn trả nhếch nhác, qua loa của các chủ đầu tư, nhà thầu công trình hạ ngầm.
Có nơi đào đường đặt thiết bị xong, đơn vị thi công lấp lại đất đá rồi bỏ mặc những vết bong trúc, sụt lún cả tháng trời; phải đến khi cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra mới thảm vá lại. Thậm chí không ít dự án sử dụng đơn vị chuyên môn đắp đường của các nhà thầu hạ ngầm quá yếu kém, ý thức giữ gìn, bảo vệ của công cũng chưa cao. Do đó việc hoàn trả mặt đường chỉ như bị “bắt vạ”, loay hoay xoay sở che mắt đơn vị giám sát rồi lãng quên.
Đã đến lúc Hà Nội phải đưa ra những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn để bảo vệ hạ tầng giao thông, mỹ quan đô thị trước vấn nạn đào đường thì nhanh, hoàn trả thì ẩu. Trước tiên là phải xử phạt thật nặng, bêu tên các nhà thầu gây hư hại đường sá. Tiếp đó phải quy trách nhiệm rõ ràng đối với chủ đầu tư công trình hạ ngầm nếu để nhà thầu “bỏ của chạy lấy người”.
Và quan trọng nhất là Hà Nội cần xem xét việc nghiêm cấm các nhà thầu không có chức năng, năng lực đào xới, cắt xẻ đường. Đơn vị nào có nhu cầu thi công hạ ngầm phải trình lên phương án kỹ thuật và tài chính; Sở GTVT sẽ chỉ định các đơn vị chuyên trách duy tu, bảo trì đường sá đào cũng như hoàn trả đường để đảm bảo chất lượng, mỹ quan.
Xa hơn nữa, việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông phải đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật, thi công một lần, chấm dứt cảnh nay đào nay xới mai khiến đường sá Thủ đô nhiều nơi vừa mới được đầu tư đã bị bong tróc, vá víu gây bức xúc trong dư luận Nhân dân.
Minh Tường