Trung Quốc tiếp tục là nhà xuất khẩu ô tô hàng đầu thế giới

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Giới chuyên gia nhận định, Trung Quốc vẫn sẽ duy trì vị trí xuất khẩu ô tô hàng đầu thế giới trong năm tới mặc dù doanh số bán xe có thể chậm lại do chịu tác động từ thuế của EU đối với xe điện.

Tăng tốc đa dạng hóa các dòng xe

Xuất khẩu ô tô của Trung Quốc có khả năng sẽ gặp khó khăn vào năm 2025 khi các hãng sản xuất xe điện (EV) hàng đầu phải chịu thêm thuế quan từ Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, các hãng sản xuất ô tô hàng đầu của nước này sẽ đa dạng hóa các dòng sản phẩm bằng cách giới thiệu xe chạy xăng và các mẫu xe hybrid, hay còn gọi là xe lai nghĩa là kết hợp sử dụng 2 bộ truyền động, một động cơ chạy xăng và một mô tơ chạy điện, để giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực từ các rào cản thương mại.

Trong năm nay, các hãng ô tô trên thế giới đã đẩy mạnh sản xuất các loại xe hybrid để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng không muốn sử dụng xe chạy pin hoàn toàn do lo ngại về phạm vi hoạt động và thiếu hạ tầng sạc điện.

Các hãng xe Trung Quốc cũng không nằm ngoài xu hướng trên khi ghi nhận doanh số khủng về xe hybrid trong năm nay. “Ông lớn” xe điện BYD đã bán được gần 2,2 triệu xe hybrid trong 11 tháng đầu năm, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nhà phân tích dự đoán thị trường EV sẽ tăng trưởng bền vững trên toàn cầu vào năm tới, trong đó Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu thế giới về xuất khẩu ô tô. Chuyên gia trưởng về thị trường ô tô Will Roberts tại Rho Motion cho hay Trung Quốc dự kiến chiếm khoảng 64% doanh số EV toàn cầu trong năm 2024 và nhiều khả năng vẫn duy trì doanh số khổng lồ này trong năm tới”.

Trung Quoc tiep tuc la nha xuat khau o to hang dau the gioi - Hinh anh 1
Trung Quốc được dự báo sẽ duy trì vị thế xuất khẩu ô tô vào năm 2025 bất kể thuế quan xe điện của EU. Ảnh: Caixinglobal.com

Theo ước tính của Công ty Hua Chuang Securities, Trung Quốc có thể xuất khẩu hơn 5,58 triệu xe vào năm 2025. Tuy nhiên, con số này thấp hơn so với mức tăng dự kiến trong năm 2024 là 29% và mức tăng 58% vào năm 2023, khi Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới.

Công ty nghiên cứu Canalys cho biết, trong 9 tháng đã qua của năm nay, các nhà sản xuất ô tô tại Trung Quốc đã báo cáo mức tăng trưởng xuất khẩu là 27%, đạt 3,1 triệu xe. Theo dữ liệu từ Công ty nghiên cứu toàn cầu Rho Motion, doanh số EV toàn cầu tăng kỷ lục, đạt 1,83 triệu xe trong tháng 11 vừa qua. Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu với 1,3 triệu xe, chiếm gần 70% tổng số EV và xe hybrid được bán ra trong tháng.

Chuyên gia cấp cao Alvin Liu tại Canalys nhận định, thuế quan của EU sẽ dẫn đến nhu cầu xe điện thuần túy do Trung Quốc sản xuất sụt giảm. Mặc dù vậy, EU vẫn là một thị trường hấp dẫn đối với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, với dự định họ sẽ sản xuất nhiều xe hybrid hơn để thu hút các khách hàng tại châu Âu.

Chuyên gia Liu lưu ý thêm: "Châu Âu vẫn là thị trường cốt lõi cho các nỗ lực toàn cầu hóa của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc… SAIC Motor là một ví dụ rõ ràng - họ đã giới thiệu các phiên bản hybrid của các mẫu xe MG3 và MG ZS nhằm mục đích thách thức vị thế của các thương hiệu Nhật Bản tại châu Âu".

Theo báo cáo của Canalys, xuất khẩu ô tô của Trung Quốc sang EU chiếm hơn 28% tổng số xuất khẩu ô tô của Trung Quốc trong 3 quý đầu năm nay.

Thuế quan sẽ làm khó các hãng xe Trung Quốc?

Vào tháng 10, EU đã bỏ phiếu áp dụng thuế quan mới đối với EV thuần túy được sản xuất tại Trung Quốc sau một cuộc điều tra chống trợ cấp. Các mức thuế mới được áp dụng ngoài mức thuế quan tiêu chuẩn 10% áp dụng cho EV thuần túy của Trung Quốc. Mức thuế quan mới sẽ có hiệu lực trong 5 năm.

Bên cạnh đó, ngay cả các “ông lớn” sản xuất ô tô như Volkswagen và BMW cũng phải chịu thuế quan vì họ lắp ráp một số xe tại Trung Quốc với các đối tác địa phương như SAIC Motor và Brilliance Auto.

Thuế quan áp dụng cho các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc dao động từ 17 - 35,3%. Trong số các mặt hàng ô tô xuất khẩu của Trung Quốc trong năm nay, EV thuần túy dự kiến sẽ chiếm 19% tổng số, giảm so với mức 22,5% của năm 2023. Theo Canalys, xe hybrid sẽ chiếm hơn 10% tổng số.

Ngoài EU, nhiều quốc gia khác cũng áp đặt thêm thuế đối với EV Trung Quốc, bên cạnh các loại thuế cơ bản áp dụng cho tất cả các xe nhập khẩu.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng thuế quan không làm suy yếu lợi thế cạnh tranh của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc nhờ khả năng cung cấp cho thị trường các dòng xe có chất lượng tương đương với các đối thủ trên toàn cầu nhưng với chi phí thấp hơn.

Theo ông Gui Shengyue, Tổng giám đốc điều hành của Geely Automobile Holdings - nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai của Trung Quốc, mức thuế 18,8% áp dụng cho EV thuần túy của Geely sẽ không đủ sức ngăn cản hãng giành thêm thị phần tại EU nhờ lợi thế sản xuất hoàn toàn có thể bù đắp được tác động. “Xuất khẩu ô tô của Geely sẽ duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025, mặc dù tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại” - ông Shengyue cho biết.

Ông William Li, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Công ty sản xuất xe điện Nio ước tính rằng, xuất khẩu ô tô của Trung Quốc sẽ tăng vọt lên 15 triệu xe mỗi năm trong vài năm tới, nhờ vào công nghệ pin và xe thông minh tiên tiến của các nhà sản xuất ô tô. Ngoài 25 triệu xe được bán tại thị trường trong nước, sản lượng hàng năm của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 40 triệu xe trong vài năm tới.

Ông Li cho biết, trong tương lai, cứ 10 xe ô tô trên toàn thế giới thì có 4 ô tô do các công ty Trung Quốc sản xuất. Năm ngoái, ngân hàng UBS của Mỹ dự đoán rằng ô tô do Trung Quốc sản xuất sẽ kiểm soát 33% thị trường toàn cầu vào năm 2030, tăng từ 17% vào năm 2023. EV được dự báo sẽ chiếm một tỷ trọng ngày càng lớn trong xuất khẩu ô tô của Trung Quốc trong dài hạn - có thể lên tới 60% vào năm 2030, tăng từ mức 30% hiện nay.

Các nhà phân tích của ngân hàng UBS ước tính rằng chi phí lắp ráp xe do hãng BYD sản xuất thấp hơn 30% so với các loại xe tương tự của các hãng xe phương Tây. Các công ty sản xuất EV Trung Quốc tiết kiệm được chi phí sản xuất chủ yếu là nhờ nguồn pin giá rẻ khi nước này kiểm soát gần như toàn bộ chuỗi cung ứng sản xuất pin xe điện.

“Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc vẫn cần nghiên cứu cách làm cho các phương tiện thông minh hơn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trên toàn thế giới. Không nên đánh giá thấp chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng và chúng tôi còn một số khó khăn lớn khác cần vượt qua” - ông Li cho biết.

Do sự cạnh tranh quyết liệt và tình trạng dư thừa công suất trong nước đã thúc đẩy các nhà sản xuất EV của Trung Quốc mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc ước tính lượng EV được giao tại Trung Quốc sẽ vượt quá 11 triệu xe trong năm nay, chiếm khoảng 55% tổng công suất sản xuất 20,2 triệu xe của cả nước - gần như không đổi so với một năm trước đó.

Nhờ những lợi thế trong ngành sản xuất ô tô, việc nhiều quốc gia trên thế giới dựng hàng rào thuế quan đối với xe Trung Quốc dường như vẫn khó ngăn nước này thống trị ngành công nghiệp trong nhiều năm tới.

Nguyễn Phương

Tin liên quan