Theo đó, dù trong giáo trình đã có phần đào tạo lái xe trên cao tốc, nhưng Cục Đường bộ vẫn đề xuất các Sở GTVT chú trọng, tập trung hơn vào phần kiến thức đào tạo lái xe trên các tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư.
Chỉ đạo này nhằm tăng cường kỹ năng, kinh nghiệm cho học viên khi lái xe trên những tuyến cao tốc chưa được đầu tư đầy đủ.
Sau vụ việc tài xế xe tải dừng đỗ trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn không bật đèn cảnh báo dẫn đến tai nạn, Cục Đường bộ cũng đề nghị Cục CSGT quan tâm kiểm tra các thiết bị cảnh báo khi xảy ra sự cố có được trang bị trên xe hay không.
Cục Đường bộ giao Phòng Pháp chế - Thanh tra nghiên cứu các quy định về chế tài xử phạt đối với trường hợp tài xế không mang thiết bị cảnh báo theo xe để sử dụng trong trường hợp xảy ra sự cố phải dừng đỗ giữa đường.
|
CSGT hướng dẫn tài xế đặt cảnh báo khi xe gặp sự cố. Ảnh: Cục CSGT |
Thiết bị cảnh báo được Cục CSGT khuyến cáo gồm đèn hazard (gắn theo xe), tam giác phản quang, cọc tiêu hình nón để cảnh báo từ xa.
Một vấn đề cũng được Cục Đường bộ quan tâm là hiệu quả của hệ thống giám sát hành trình gắn trên xe kinh doanh vận tải. Thực tế trong 2 vụ tai nạn thảm khốc trên quốc lộ 2 qua Lạng Sơn và cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Cục Đường bộ không ghi nhận được dữ liệu về tốc độ của các phương tiện gây tai nạn.
Hiện nay, hệ thống dữ liệu giám sát hành trình chưa được Cục Đường bộ đầu tư. Công ty CP Hanel (một doanh nghiệp tư nhân) đang hỗ trợ duy trì hoạt động. Để phát huy hiệu quả của hệ thống, Cục Đường bộ giao Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái phối hợp với Cục CSGT, Công ty CP Hanel nghiên cứu nâng cấp phần mềm, hoàn thành trong tháng 3.
Cục đề nghị Công ty CP Hanel chia sẻ khó khăn về nguồn vốn; đồng thời tiếp tục hỗ trợ duy trì hệ thống để không bị gián đoạn, sử dụng được thông suốt.