Ghi nhận của PV trên tuyến đường sắt Bắc Nam chạy song song với Quốc lộ 1A, đi qua địa bàn các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, việc lối đi ngang tự mở vẫn tồn tại và còn đó rất nhiều bất cập.
Trên đường Ngọc Hồi (đoạn qua thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì), tình trạng lấn chiếm hành lang đường sắt khá phổ biến. Chỉ đoạn đường vài trăm mét có cả chục công trình xây dựng, làm mái tôn ngay sát đường sắt. Những ngôi nhà này vừa là nơi để cư trú, vừa là nơi dùng để phục vụ kinh doanh.
Để thuận tiện cho việc đi lại cũng như buôn bán, nhiều người dân đã tự mở lối đi cắt ngang đường sắt, dỡ hộ lan bảo vệ, đổ đất, sỏi để làm lối đi thẳng từ nhà xuống QL1A.
|
Tại đường Ngọc Hồi, nhiều người dân đã tự mở lối đi cắt ngang đường sắt, dỡ hộ lan bảo vệ, đổ đất, sỏi để làm lối đi. Nhận thấy sự nguy hiểm của những lối đi này, lực lượng chức năng cắm biển cảnh báo nhằm đảm bảo ATGT |
|
Tuy nhiên tình trạng lấn chiếm hành lang đường sắt diễn ra khá phổ biến tại đây, nhà dân mọc lên san sát dọc theo chiều dài tuyến, vừa là nơi cư trú, vừa trở thành nơi kinh doanh, buôn bán. |
Tại huyện Thường Tín, nhiều đoạn đường ngang tự mở được người dân đổ tràn lan vật liệu xây dựng, rác thải bừa bãi ngay cạnh đường sắt. Những đống gạch đá lồi lõm tiềm ẩn nguy cơ cao về tại nạn giao thông, đe doạ đến tính mạng người điều khiển phương tiện, cũng như ảnh hướng đến việc chạy tàu.
Đơn cử như một lối đi tự mở đối diện đường Thượng Hồng (xã Văn Bình, huyện Thường Tín) xuất hiện la liệt các loại vật liệu xây dựng, rác thải lổm chổm ngay trên đường tàu. Một người dân cho biết, đã có nhiều xe máy bị ngã tại đây.
|
Tại huyện Thường Tín, lối đi tự mở băng qua đường sắt đối diện đường Thượng Hồng (xã Vân Bình) xuất hiện la liệt các loại vật liệu xây dựng, rác thải ngay trên đường tàu |
Nhận thấy sự nguy hiểm của những lối đi tự mở này, lực lượng chức năng đã cho lắp đặt biển báo chú ý tàu hoả để phần nào đảm bảo ATGT. Tuy nhiên, nhiều lối đi nhỏ không có biển báo hoặc biển báo bị xộc xệch, che khuất.
Nhiều người dân địa phương cũng cho biết, tuyến đường sắt Bắc Nam có lưu lượng tàu chạy qua rất lớn, trung bình trên dưới 20 lượt/ngày, đã có nhiều người do bất cẩn, hạn chế tầm nhìn đã va chạm với tàu hoả khi băng qua.
|
Nhận thấy sự nguy hiểm của những lối đi tự mở, lực lượng chức năng đã cắm biển cảnh báo để đảm bảo ATGT. Tuy nhiên, nhiều biển báo bị che khuất bởi biển quảng cáo, người dân dựng ô để buôn bán hoặc cây cối mọc um tùm che tầm nhìn |
Chị Trần Thu Hà (40 tuổi, trú tại xã Văn Bình, huyện Thường Tín) chia sẻ: “Mấy năm trước thường xuyên có người đi kiểm tra, chặt cây để đảm bảo tầm nhìn nhưng lâu nay không thấy, cây cối mọc um tùm rất nguy hiểm. Hiện giờ để đảm bảo ATGT, người dân chúng tôi phải tự phân công chặt cây để mọi người đi qua có thể dễ quan sát".
|
Biển báo bị cây cối, những tấm quảng cáo lớn che khuất, đây thật sự là những mối hiểm họa thường trực, không chỉ xâm phạm hành lang ATGT đường sắt, mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân cũng như ngành đường sắt |
Theo thống kê, năm 2019, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra 19 vụ TNGT đường sắt, làm chết 15 người, 1 người bị thương. Nguyên nhân các tai nạn trên là do người tham gia giao thông không chú ý quan sát và chuyển hướng sai quy định khi băng qua các điểm giao cắt, lối đi tự mở.
Do vậy, để đảm bảo ATGT đường sắt trên địa bàn TP Hà Nội, ngoài việc làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành của người dân, cần có sự vào cuộc quyết liệt và triệt để hơn nữa của các cơ quan chức năng liên quan tới giải toả hành lang ATGT, tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các vi phạm... Với mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông đường sắt xuống mức thấp nhất.