Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, nguy cơ xảy ra cháy, nổ các phương tiện tàu thủy chuyên dùng để vận chuyển hành khách, xăng, dầu chủ yếu bắt nguồn từ việc tập trung các thiết bị tiêu thụ điện với công suất lớn, vượt quá thiết kế ban đầu, đặc biệt tại các tàu hoán cải, chuyển đổi mục đích sử dụng. Cháy có thể bắt nguồn từ chập điện, hút thuốc ở những khu vực cấm lửa, bất cẩn trong hoạt động nấu nướng trên tàu, hàn xì, sơn khi sửa chữa tàu không tuân thủ các biện pháp an toàn, xử lý bất cẩn trong quá trình bơm rót xăng dầu hay không bảo đảm các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC.
Tại Việt Nam, trang bị phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông, biển cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH còn chưa đáp ứng được thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ. Không những thế, công tác chữa cháy và cứu hộ cứu nạn khi xảy ra sự cố trên các phương tiện tàu thủy thường xuyên gặp nhiều khó khăn do phải tính toán đến việc bảo vệ sự ổn định của thân tàu, tránh việc tàu bị lật hoặc chìm; phương tiện, cách thức thoát nạn và cứu hộ bị hạn chế.
Do đó, việc trang bị phương tiện chữa cháy ban đầu, hệ thống báo cháy, chữa cháy cố định trên tàu phải được quan tâm hàng đầu. Trong khi đó, phần lớn các số các phương tiện tàu thủy đang lưu hành ở nước ta đã cũ kỹ, lạc hậu. Một số phương tiện vẫn chưa được thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC trước khi đưa vào sử dụng...
Để hạn chế, giảm thiểu tối đa nguy cơ xảy ra cháy, nổ, cần tăng cường tuyên truyền phổ biến những quy định trong Luật PCCC, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC hiện hành có liên quan đến phương tiện tàu thủy cho thuyền viên giúp nâng cao tính cảnh giác, ý thức bảo vệ tính mạng và tài sản. Chính quyền địa phương, công an các tỉnh, TP cần tăng cường công tác phối hợp với cơ quan quản lý phương tiện tàu thủy để kiểm tra, đôn đốc, giám sát chủ phương tiện thực hiện thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC trước khi cấp phép đăng kiểm, đưa phương tiện vào sử dụng.