Bộ Công an khuyến cáo các thủ đoạn của tội phạm buôn bán người

BẢO NAM
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Bộ Công an vừa đưa ra khuyến cáo, người dân cần nâng cao cảnh giác, khi phát hiện các dấu hiệu tội phạm mua bán người thì chủ động tố giác, phối hợp đấu tranh ngăn chặn loại tội phạm đang ngày càng tinh vi này.

Bo Cong an khuyen cao cac thu doan cua toi pham buon ban nguoi - Hinh anh 1
Hai đối tượng phạm tội buôn bán người bị bắt ở Lạng Sơn. 

Theo Bộ Công an, thực tiễn đấu tranh cho thấy, tội phạm mua bán người là loại tội phạm có độ ẩn cao và có khả năng xảy ra trên các địa bàn như khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người; trên các lĩnh vực như cho nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài; đẻ thuê; cho, hiến tạng; xuất khẩu lao động, di cư (hợp pháp hoặc bất hợp pháp) ra nước ngoài lao động làm thuê, du lịch, chữa bệnh, thăm thân...

Điển hình, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 2 đối tượng về hành vi "Mua bán người" và "Mua bán người dưới 16 tuổi". Công an tỉnh Tuyên Quang đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đặng Thị Hiền (SN 1990; ở thị trấn Yên Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) về tội "Mua bán người".

Cơ quan công an xác định, Đặng Thị Hiền đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân của mình mang tên “Thảo Hiền tq”, đăng tải nội dung tuyển người đi xuất khẩu lao động với mức lương cao. Ý đồ của Hiền là lừa các nạn nhân, bán sang Campuchia. Với phương thức trên, Hiền đã "giăng bẫy" đưa được 3 người sang Campuchia để làm việc tại các tụ điểm đánh bạc trên mạng internet, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.


Theo thống kê, trong quý III-2023, lực lượng công an đã tiếp nhận, giải quyết 92 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm mua bán người; phát hiện, điều tra 85 vụ/230 đối tượng phạm tội mua bán người, xác định 224 nạn nhân bị mua bán.

Trước tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, để chủ động phòng tránh, Bộ Công an khuyến cáo, người dân cần nâng cao cảnh giác, nhất là đối với các hành vi, thủ đoạn sau:

Tội phạm mua, bán người thường dùng tên, tuổi, địa chỉ giả; thường xuyên không cung cấp hình ảnh, số điện thoại; liên lạc chủ yếu qua mạng xã hội như Zalo, Facebook…

Đối tượng không hẹn gặp trực tiếp, chủ yếu hướng dẫn, liên lạc qua điện thoại. Đặc biệt là các đối tượng dùng nhiều số điện thoại khác nhau, hoặc liên lạc qua mạng xã hội.

Đối tượng dụ dỗ, hứa hẹn tìm những công việc nhẹ, lương cao, lấy chồng nước ngoài để có cuộc sống giàu sang. Các đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp hình ảnh thông tin, địa chỉ để tổ chức xem mặt chọn vợ. Giả danh lực lượng chức năng để đe dọa nạn nhân, không hẹn làm việc tại các cơ quan nhà nước mà hướng dẫn gặp riêng bên ngoài.

Công việc, địa điểm làm việc mà các đối tượng dụ dỗ, hứa hẹn đưa nạn nhân đến làm việc thường không có địa chỉ cụ thể…

Tin liên quan