Bộ GTVT muốn được quyền quyết định mức phí BOT trên các tuyến cao tốc. (Ảnh: Hòa Thắng)
|
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi do Bộ GTVT chủ trì biên soạn đang trong giai đoạn lấy ý kiến góp ý của Nhân dân, nhưng liên tục gây ra những tranh cãi của dư luận và giới chuyên gia trong thời gian qua.
Trong Dự luật, Bộ GTVT đề xuất Nhà nước không cần quy định mức giá tối đa đối với các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc để kinh doanh; đồng thời Bộ trưởng Bộ GTVT được trao quyền quy định giá (phí) tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các dự án do bộ quản lý thay vì Bộ Tài chính quy định như luật hiện hành.
Với các tuyến đường cao tốc, mức phí sẽ được quy định trong hợp đồng dự án, theo nguyên tắc bảo đảm lợi ích giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, người sử dụng, Nhà nước và tạo điều kiện để nhà đầu tư thu hồi vốn và lợi nhuận. Trường hợp dự án có rủi ro, Nhà nước cho phép được kéo dài thời gian thu, tăng mức thu và các hình thức chia sẻ rủi ro khác.
Bên cạnh đó, trong Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ GTVT đưa ra đề xuất phí bảo trì đường bộ vẫn thu trên đầu phương tiện, nhưng chỉ áp dụng với đường bộ thông thường, còn đường cao tốc (hoặc đường vành đai đô thị đầu tư theo tiêu chuẩn cao tốc) sẽ thu phí riêng tại từng dự án.
Đề xuất này của Bộ GTVT được đưa ra khác biệt rất lớn với những quy định hiện hành. Bởi theo quy định hiện tại, khi phương tiện đã nộp phí bảo trì, các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách (kể cả đường cao tốc) sẽ không thu phí. Điều này được thể hiện tại các tuyến đường như cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương; các tuyến vành đai 3 Hà Nội, tuyến đường Võ Nguyên Giáp (đi Sân bay Nội Bài, Hà Nội) dù đầu tư theo tiêu chuẩn cao tốc nhưng không thu phí.