Do đó, Công an thành phố Hà Nội hướng dẫn người dân các trường hợp gọi báo cháy theo số 114 và cách cung cấp thông tin khi gọi 114 như sau:
Thông tin báo cháy và thông báo sự cố hàng ngày được quy định tại: Điều 32 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, ngày 22/11/2013; Điều 14 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP, ngày 18/7/2017, của Thủ tướng Chính phủ, quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Phòng cháy và chữa cháy. Số điện thoại báo cháy và sự cố hàng ngày thống nhất trong cả nước là: 114. Các sự cố, tai nạn, theo Điều 5 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP, ngày 18/7/2017, của Thủ tướng Chính phủ gồm:
a) Sự cố, tai nạn cháy;
b) Sự cố, tai nạn nổ;
c) Sự cố, tai nạn sập, đổ nhà, công trình, thiết bị, máy móc, cây cối;
d) Sự cố, tai nạn sạt lở đất, đá;
đ) Sự cố, tai nạn có người bị mắc kẹt trong nhà; công trình; trên cao; dưới sâu; trong thiết bị; trong hang, hầm; công trình ngầm;
e) Sự cố, tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa khi có yêu cầu;
g) Tai nạn đuối nước tại sông, suối, thác nước, hồ, ao, giếng nước, hố sâu có nước, bãi tắm;
h) Sự cố, tai nạn tại khu du lịch, khu vui chơi giải trí;
i) Sự cố, tai nạn khác theo quy định của pháp luật.
Khi gặp phải các sự cố trên, không phải ai cũng biết và bình tĩnh để xử lý và thông báo đủ thông tin bằng điện thoại cho các cơ quan chức năng, do vậy cần lưu ý những vấn đề sau, nếu gọi đến số điện thoại 114:
- Khi ở trong sự cố hoặc tình huống cháy, hoặc phát hiện sự cố, đám cháy, cần giữ bình tĩnh, cố gắng trấn an tâm lý cho những người xung quanh, thông báo cho người khác hoặc sử dụng điện thoại để gọi cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH;
- Thời điểm gọi: Ngay khi xảy ra sự cố, nhận thấy ngoài khả năng xử lý của lực lượng tại chỗ, cần gọi ngay lập tức đến số điện thoại 114.
- Thông tin cần cung cấp cho lực lượng Cảnh sát PCCC đảm bảo trả lời được 3 câu hỏi: “Bạn là ai?”, “Bạn đang ở đâu”, “Bạn nhìn thấy gì?”.
+ “Bạn là ai?”: Hãy nói đủ họ và tên, cung cấp số điện thoại để lực lượng chữa cháy có thể liên lạc lại với bạn;
+ “Bạn ở đâu?”: Hãy cung cấp chính xác địa chỉ cơ sở xảy ra cháy hoặc sự cố, điều này sẽ giúp lực lượng Cảnh sát PCCC đến địa điểm yêu cầu nhanh nhất;
+ “Bạn nhìn thấy gì?” Hãy cũng cấp thông tin về tình hình đám cháy hoặc đặc điểm sự cố: loại nhà, vị trí tầng bị cháy, chất cháy, tình trạng người bị nạn…
Hãy bình tĩnh và đưa ra các thông tin nhanh nhất, đầy đủ và chính xác để giúp hạn chế thấp nhất hậu quả do cháy, nổ và các tai nạn khác gây ra.