Cần siết chặt công tác đào tạo lái xe

TUẤN DƯƠNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Thời gian gần đây, nhiều vụ việc tai nạn giao thông liên quan tới xe tập lái đã và đang gây bức xúc, bất an cho người tham gia giao thông.

Can siet chat cong tac dao tao lai xe - Hinh anh 1
Xe cho học viên tập lái chỉ được đi trên những tuyến đường ghi trên giấy phép xe tập lái. 
Nguy hiểm mang tên "xe tập lái"

Công an huyện Hải Hậu (Nam Định) cho biết, đơn vị này đang củng cố hồ sơ, xem xét trách nhiệm của các bên liên quan để xử lý theo quy định vụ xe tập lái gây TNGT trên tuyến đường khu dân cư làm bé gái 3 tuổi tử vong.

Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 17h30 chiều 11/8, khi cháu N.T.T. (3 tuổi, trú tại xã Hải Phúc, Hải Hậu) được chị họ chở bằng xe đạp đi trên tuyến đường của khu dân cư tập trung Hải Thanh thuộc xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu thì bị một xe ô tô đi cùng chiều tông từ phía sau.

Cháu lớn thấy vậy nên chạy vội lên vỉa hè để tránh, chiếc ô tô lúc này vẫn tiếp tục di chuyển, khiến cháu N.T.T. bị thương nặng, được đưa vào Bệnh viện đa khoa Hải Hậu cấp cứu nhưng đã không qua khỏi.

Can siet chat cong tac dao tao lai xe - Hinh anh 2
Hiện trường vụ tai nạn.

Đáng nói, chiếc xe gây tai nạn là xe dành cho học viên tập lái của Trường Trung cấp Đại Lâm (phường Lộc Hạ, Nam Định). Vào thời điểm xảy ra tai nạn, thầy giáo dạy lái không ở trong xe mà ra ngoài ngồi uống nước, trong xe chỉ có 2 học viên nữ.

Cách đó không lâu, chiều 3/8, Công an TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ TNGT khiến 1 người bị thương, 1 người tử vong tại chỗ.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 12h20 cùng ngày, trên QL56 đoạn qua ấp Bắc 2 (xã Hòa Long, TP Bà Rịa), xe ô tô tập lái BKS 72C-166.91 (chưa rõ người điều khiển) của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp & sát hạch lái xe Đặng Lâm (trụ sở tại TP Bà Rịa) trong lúc đang quay đầu chuyển hướng vào TP Bà Rịa thì xảy ra va chạm với xe bác gác chở cây gỗ đi hướng ngược lại.

Vụ va chạm khiến tài xế lái xe ba gác bị thương ở vùng tay được hỗ trợ đưa đi bệnh viện, người phụ xe đi cùng ngã ra khỏi xe tử vong tại chỗ. Tại hiện trường, xe ba gác lao xuống ruộng, cây gỗ vãi bên vệ đường. Xe ô tô tập lái bị vỡ phần kính chắn gió trước đầu xe. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, tài xế cùng một số người trên xe ô tô tập lái rời khỏi hiện trường.

Từ các vụ tai nạn dẫn đến thương vong như đã nêu ở trên, rõ ràng xe ô tô tập lái đã và đang trở thành nguồn gây nguy hiểm cao cho những người cùng lưu thông trên đường.

Vô ý vì cẩu thả?

Trên thực tế, nhiều học viên lái xe ngay từ những buổi đầu tiên đã tự mình cầm lái sau khi làm quen với hộp số và vô lăng, mặc dù giáo viên hướng dẫn ngồi ghế bên có bố trí phanh phụ. Anh Phạm Duy Tùng (trú tại Đội Cấn, Ba Đình) chia sẻ, buổi đầu đi tập lái của anh được thầy cùng các học viên khác dẫn ra sân trống ở Mỹ Đình, sau khoảng 15 phút được dậy cơ bản (lên số, chân ga, chân phanh...) thầy dạy lái cho học viên tự điều khiển đi quanh khu vực này.

"Nhìn lại quá trình học lái xe, tôi thấy mình đã quá tự tin khi cầm lái ngay buổi đầu đi trên đường mà không lường trước được nguy hiểm. Thế nên sau khi nghĩ lại kể cả khi có GPLX, tôi cũng vẫn phải thuê người phụ đạo thêm mỗi cuối tuần rồi mới dám mang xe đi ra đường" - anh Tùng kể lại.

Theo ông Nguyễn Văn Nguyên - Giáo viên tại Trung tâm sát hạch để cấp GPLX TP Hà Nội - Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, về nguyên tắc, những xe cho học viên tập lái chỉ được đi trên những tuyến đường ghi trên giấy phép xe tập lái do Sở GTVT cấp với thời gian bằng với chu kỳ đăng kiểm của xe.

"Các giáo viên và học viên cũng cần nâng cao ý thức và trách nhiệm của bản thân khi học và lái xe trên đường trường. Học viên (chưa có bằng lái xe) tự ý điều khiển phương tiện thì giáo viên đó đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ khi đã giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển; còn học viên đương nhiên cũng vi phạm khi tự ý điều khiển ô tô khi chưa có bằng lái" - ông Nguyên cho hay.

Can siet chat cong tac dao tao lai xe - Hinh anh 3
Học viên (chưa có bằng lái) cầm vô lăng trên đường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. 

Dưới quan điểm pháp luật, theo Luật sư Phạm Viết Thái - văn phòng Luật sư Hoàng Minh, quy định tại Khoản 1, Điều 58, Luật giao thông đường bộ năm 2008 thì “Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái”. Như vậy, giáo viên tập lái xe vi phạm quy định về đào tạo, sát hạch lái xe và có thể bị xử lý kỉ luật theo nội quy của cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe.

Và nếu CSGT phát hiện được hành vi giáo viên dạy lái xe thực hiện hành vi phạm không ngồi bên cạnh để bảo trợ tay lái cho học viên thực hành lái xe thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điểm c, Khoản 1, Điều 37, Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.

"Pháp luật quy định xe ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ, người điều khiển xe ô tô phải có giấy phép lái xe phù hợp. Học viên đang học lái xe ô tô là người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là xe ô tô. Nếu giáo viên để học viên tự lái xe tham gia giao thông và gây tai nạn nghiêm trọng thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự" - luật sư Phạm Viết Thái cho hay.

Xe tập lái và người ngồi trên xe tập lái phải đáp ứng các quy tắc sau: Xe tập lái phải có giấy phép lái xe do Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở GTVT cấp. Xe tập lái phải có biển xe “Tập lái” theo mẫu quy định; có ghi tên cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý trực tiếp ở mặt ngoài hai bên cánh cửa hoặc hai bên thành xe theo quy định. Giáo viên thực hành phải đeo phù hiệu “Giáo viên dạy lái xe”, học viên tập lái phải đeo phù hiệu “Học viên tập lái xe”. Giáo viên dạy thực hành phải cho học viên chạy đúng tuyến đường, thời gian quy định trong giấy phép xe tập lái.

Tin liên quan