|
Hiện Sở GTVT chưa triển khai thực hiện việc thu nộp tiền phạt vi phạm hành chính trực tuyến.
|
Mạo danh cơ quan Nhà nước
Anh Nguyễn Hoàng Hiệp (trú tại Triều Khúc, quận Thanh Xuân) trong 2 tháng nay chưa một lần ra khỏi Hà Nội bỗng một ngày nhận được cuộc điện thoại lạ tự xưng là cán bộ Sở GTVT thông báo đóng tiền nộp phạt do vi phạm giao thông. Sau khi làm theo các bước, giọng nữ bên kia đầu dây cho biết làm ở Tổng Cục đường bộ số 3 có địa chỉ tại số 24 Liên Chiểu, Hải Châu, TP Đà Nẵng đã yêu cầu anh cung cấp họ và tên để kiểm tra lỗi.
"Khi bị số điện thoại lạ kia gọi điện thông báo là Sở GTVT, tôi đã thấy có điều bất thường và tiếp tục nghe xem mình phạm lỗi gì. Sau khi nói liệu có nhầm lẫn gì không vì tôi chưa từng vào Đà Nẵng thì đầu dây bên kia nhanh chóng dập máy" - Anh Hiệp cho biết.
Anh Hiệp cũng cho biết thêm, sau khi tìm hiểu sự việc đã phát hiện hình thức này đã diễn ra nhiều tháng trở lại đây, nhiều người đã bị các đối tượng lấy thông tin cá nhân như: số CMND, mã OTP đến điện thoại... thậm chí có người còn chuyển khoản để nộp phạt cho những đối tượng này.
Còn với anh Nguyễn Hoàng Nam (trú tại Nam Từ Liêm) lo ngại, nếu những đối tượng này gọi cho 10 người, chỉ cần có 1 người "dính bẫy" cũng hết sức nguy hiểm. "Việc những người này mạo danh cơ quan Nhà nước để tiến hành lừa đảo, tôi mong các cơ quan chức năng cần sớm điều tra, làm rõ các đối tượng lừa đảo, đồng thời xử phạt nghiêm theo pháp luật".
Không để "nhờn luật"
Sau những phản ánh của người dân, Sở GTVT, Cục CSGT (Bộ Công an) làm rõ nhiều thông tin để nâng cao cảnh giác, không để kẻ xấu lợi dụng. Sở GTVT Hà Nội khẳng định các số điện thoại trên và người gọi là mạo danh đơn vị. Theo chức năng, thẩm quyền được pháp luật quy định, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội thực hiện việc kiểm tra, lập Biên bản vi phạm hành chính đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhận Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và phải nộp phạt tại Kho bạc hoặc các điểm thu nộp phạt do Kho bạc nhà nước ủy thác (Ngân hàng).
Hiện tại, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội chưa thực hiện việc thu nộp tiền phạt vi phạm hành chính trực tuyến
|
Người dân nếu nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu lừa đảo cần thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất
|
Còn về phía Cục CSGT cho biết, đơn vị hiện không triển khai bất cứ trang fanfage hoặc kênh thông tin nào trên mạng xã hội. Mọi thông tin trên internet chỉ được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Cục CSGT (http//csgt.vn). Các cá nhân, tổ chức mạo danh Cục CSGT thiết lập và điều hành các trang, kênh thông tin trên mạng xã hội sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Mặc dù cơ quan chức năng đã có khuyến cáo và phát luật cũng đã có những quy định, hình thức xử lý cho những đối tượng lừa đảo và mạo danh cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet và các mạng xã hội, nhiều website có tiền miền từ Việt Nam lại đăng tải nội dung, tạo ra các số điện ảo. Đáng chú ý, các trang web này hướng dẫn khá chi tiết, giúp người dùng sở hữu số điện thoại ảo chưa đầy một “nốt nhạc”.
Nhiều chuyên gia pháp luật đánh giá, những trang web này đang có dấu hiệu "vẽ đường" cho các đối tượng lừa đảo hoặc lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác. Khi soi chiếu theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP hướng dẫn và quy định một số điều của Luật Viễn Thông có thể thấy, việc tạo lập số điện thoại ảo trên mạng đang vi phạm rất nghiêm trọng các quy định pháp luật Việt Nam
Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất, hoặc tra cứu địa chỉ tố giác tội phạm trên chuyên mục “Hướng dẫn tố giác tội phạm” của Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an (http://bocongan.gov.vn hoặc http://mps.gov.vn) để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
|