 |
Hiện trường vụ tai nạn ở xã Thạnh Đức, tỉnh Tây Ninh từ việc xe ô tô dừng, đỗ ven đường. Ảnh: Nguyễn Tiến |
Tối 5/4, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh xảy ra vụ tai nạn giao thông khiến một người đàn ông tử vong tại chỗ. Theo thông tin ban đầu, khoảng 19h cùng ngày, một người đàn ông điều khiển xe máy trên đường đi làm về, lưu thông theo hướng từ xã Thạnh Đức đến ấp Bông Trang, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Khi đến khu vực nói trên, do trời tối, người này không kịp phát hiện một ô tô 16 chỗ đang đậu sát lề đường nên đã tông vào phần đuôi xe. Sau cú va chạm, nạn nhân ngã ra đường và bị xe container 29R-50.771 đang lưu thông cùng chiều phía sau cán qua, tử vong tại chỗ.
Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát giao thông và Cơ quan điều tra nhanh chóng có mặt tại hiện trường để thu thập thông tin và xác minh nguyên nhân vụ việc.
 |
Hiện trường vụ tai nạn tại thị trấn Yên Châu, tỉnh Sơn La từ việc xe ô tô dừng, đỗ ven đường. Ảnh: Gia Đạt |
Trước đó, khoảng 1h50 ngày 5/4, tại Km240+600 Quốc lộ 6 đoạn qua thị trấn Yên Châu, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, một vụ tai nạn tương tự khi người điều khiển xe máy đang lưu thông trên đường thì bất ngờ tông vào phần đuôi của ô tô đầu kéo đầu kéo BKS 26H-013.71 kéo theo rơ-moóc 26R-007.33 đang dừng đỗ trên đường, khiến một người tử vong tại chỗ, một người bị thương nặng.
Hai vụ tai nạn trên đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo Điều 18, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định, dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của xe trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên xe, xuống xe, xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật xe hoặc hoạt động khác. Khi dừng xe không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái, trừ trường hợp rời khỏi vị trí lái để đóng, mở cửa xe, xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật xe nhưng phải sử dụng phanh đỗ xe hoặc thực hiện biện pháp an toàn khác.
Đỗ xe là trạng thái đứng yên của xe không giới hạn thời gian. Khi đỗ xe, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ chỉ được rời khỏi xe khi đã sử dụng phanh đỗ xe hoặc thực hiện biện pháp an toàn khác. Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải đánh lái về phía lề đường, chèn bánh.
Theo đó, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi dừng xe, đỗ xe trên đường phải có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khác biết khi ra, vào vị trí dừng xe, đỗ xe. Đồng thời, không làm ảnh hưởng đến người đi bộ và các phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Trường hợp không tuân thủ người điều khiển phương tiện thì sẽ bị xử lý theo khoản 1 Điều 6, Nghị định 168/2024/NĐ-CP. Cụ thể, xử phạt từ 400.000 - 600.000 đồng đối với người điều khiển xe khi ra, vào vị trí dừng xe, đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết.
Trong trường hợp tài xế dừng xe, đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết mà gây tai nạn, sẽ bị phạt tiền 20 - 22 triệu đồng, đồng thời bị trừ 10 điểm giấy phép lái xe.
Trường hợp nếu có biển báo cấm dừng, đỗ xe trên đoạn đường này thi tài xế xe ô tô đã vi phạm lỗi dừng, đỗ trên đoạn đường cấm và không có biện pháp cảnh báo an toàn theo quy định tại điểm a và điểm d khoản 3 Điều 18, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong trường hợp này, nếu xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng thì người lái xe ô tô đã có dấu hiệu phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” được quy định tại khoản 1 Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo đó, người lái xe ô tô có thể phải chịu hình phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm, phạt tiền 30 - 100 triệu đồng. Ngoài ra, khung hình phạt sẽ tăng lên thành phạt tù 3 - 10 năm tù nếu: tài xế lái xe ô tô không có giấy phép lái xe theo quy định; có dấu hiệu sử dụng rượu bia hoặc bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm; cố ý không cứu giúp người bị nạn; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông…
Thái An