Xe khách chèn ép xe tải trên đường cao tốc
Chiều 20/10, thông tin từ Đội 1 (Cục CSGT, Bộ Công an), đơn vị đang vào cuộc xác minh hình ảnh một chiếc ô tô khách 16 chỗ có hành vi chèn ép ô tô tải vào làn khẩn cấp trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
|
Hình ảnh xe khách chèn ép xe tải trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Ảnh cắt từ clip. |
Theo đó, sự việc xảy ra vào lúc 12h42 ngày 19/10/2024 tại km23 trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai (hướng sân bay Nội Bài đi Lào Cai, thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Phúc).
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh xe khách 16 chỗ bất ngờ chèn ép ô tô tải vào làn khẩn cấp trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Theo clip ghi lại, chiếc xe tải thùng kín đang lưu thông trên đường, bất ngờ bị một xe khách loại 16 chỗ đuổi theo sau với tốc độ cao, chèn ép xe tải vào làn khẩn cấp của đường cao tốc.
Mặc dù tài xế xe tải cố gắng đánh lái sang trái để rời khỏi làn khẩn cấp nhưng tài xế xe khách không nhường đường. Thậm chí, tài xế xe khách còn phanh gấp và tiếp tục đánh lái sang phải để buộc tài xế xe tải dừng lại.
Có dấu hiệu cấu thành hành vi “Gây rối trật tự công cộng”
Về hành vi này của tài xế xe khách, theo luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, đây là hành vi nguy hiểm, đáng lên án, xâm phạm tới an ninh trật tự xã hội và hành lang an toàn giao thông đường bộ.
Theo đó, tại khoản 3 Điều 14 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định về việc vượt xe, trong đó nêu rõ rằng, khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.
Điều này có nghĩa là, việc cản trở xe khác vượt qua, không giảm tốc độ hay không đi sát về bên phải phần đường xe chạy có thể coi là vi phạm luật giao thông. Hành vi này không chỉ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông mà còn làm giảm sự thông suốt của dòng xe, tạo ra tình trạng ùn tắc và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Vì vậy, dù chưa có chế tài cụ thể, việc tuân thủ đúng quy định về vượt xe là rất cần thiết để đảm bảo an toàn và trật tự giao thông trên đường.
Theo điểm h khoản 4 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại điểm d khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, có quy định về việc xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.
Cụ thể, tại khoản 4 Điều này, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn. Theo đó, nếu người điều khiển xe ô tô thực hiện hành vi không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn, sẽ bị xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Như vậy, trong trường hợp lái xe ô tô chèn ép xe khác và không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn, tùy vào mức độ vi phạm, người điều khiển phương tiện có thể bị xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Hành vi này không chỉ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông mà còn ảnh hưởng đến sự thông suốt của dòng xe, gây ùn tắc và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Do đó, việc tuân thủ quy định này là cần thiết để đảm bảo an toàn và trật tự trên đường.
Ngoài ra, theo luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn, hành vi chèn ép xe ô tô tải, đặc biệt tại đoạn đường có tốc độ cao như trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai của tài xế xe khách là hành vi rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự trên cao tốc, an toàn xã hội, có nguy cơ gây thiệt hại về tài sản, tính mạng của tài xế xe ô tô tải và các phương tiện di chuyển cùng chiều và có dấu hiệu cấu thành hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.
Trường hợp bị kết luận có hành vi gây rối trật tự công cộng nhưng chưa tới mức xử lý hình sự, tài xế có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt 5-8 triệu đồng. Trường hợp hành vi được xác định đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự, người vi phạm có thể bị khởi tố về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015. Mức phạt tối đa có thể áp dụng lên tới 7 năm tù.
Minh Dương