Tại phiên chất vấn chiều 4/6, trả lời đại biểu về quan điểm đối với tình trạng uống rượu bia gây tai nạn giao thông, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình nói, "tôi tin rằng mọi người dân đều thấy nguy hiểm của việc uống rượu bia tham gia giao thông, gây tai nạn ảnh hưởng đến xã hội và chính bản thân tài xế".
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình.
|
Theo Phó Thủ tướng thường trực, nhiều vụ hết sức đau thương đã xảy ra "chỉ một cuộc vui, một chút quá chén". "Tất cả chúng ta đều thấy rằng đã uống rượu bia thì không tham gia giao thông", Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình nhấn mạnh.
Cuãng theo Phó Thủ tướng: Pháp luật hiện hành có nhiều quy định để điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông, đơn cử như Luật Giao thông đường bộ, Luật xử lý vi phạm hành chính và Chính phủ có nghị định 46 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông.
Ông cho hay: "Tới đây Chính phủ sẽ sửa nghị định 46 theo hướng tăng mức phạt tối đa đối với vi phạm giao thông, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn".
Được biết, Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Theo đó, tài xế vi phạm nồng độ cồn mức cao nhất (mức 3, vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở) sẽ bị phạt từ 26 đến 30 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 14-16 tháng. Nghị định hiện hành quy định xử phạt từ 16-18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4-6 tháng.
Ở vi phạm thấp hơn (mức 2), Bộ Giao thông Vận tải đề xuất giữ nguyên quy định hiện hành về mức phạt tiền (từ 7-8 triệu đồng) với lái xe có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở; mức xử phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe được nâng từ 1-3 tháng lên 10-12 tháng.