VCCI phân tích, Điều 109 dự thảo quy định để lái xe kinh doanh vận tải bên cạnh việc phải có giấy phép lái xe (các hạng tương ứng với từng loại xe vận tải) người lái xe phải có “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”.
VCCI nêu quan điểm, loại giấy phép này dù mới so với hiện hành nhưng có thể làm tăng thủ tục xin-cho không cần thiết. Cụ thể, để được cấp giấy phép lái xe, người lái xe phải hoàn thành khóa đào tạo (đào tạo để cấp các loại giấy phép lái xe, đào tạo để nâng hạng giấy phép) và trải qua kỳ sát hạch để được cấp phép.
Để được cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải, người lái xe lại tiếp tục được đào tạo “nghiệp vụ vận tải và kỹ năng lái xe an toàn” và tham gia kiểm tra để được cấp chứng chỉ.
Quy định cũng khiến trùng lặp về mục tiêu quản lý: Mục tiêu của “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải” suy đoán là nhằm đảm bảo người lái xe kinh doanh vận tải có đủ kỹ năng lái xe an toàn, đảm bảo an toàn giao thông, tính mạng của khách hàng và người tham gia giao thông khác cũng như an toàn hàng hóa.
Tuy nhiên, mục tiêu này cũng hoàn toàn trùng lặp với mục tiêu của “giấy phép lái xe” từng hạng xe (đặc biệt là các xe phục vụ mục tiêu kinh doanh là chủ yếu). Lái xe kinh doanh vận tải hay lái xe không kinh doanh (bao gồm cả vận tải nội bộ) thì đều phải đảm bảo yếu tố an toàn theo mục tiêu này. Nói cách khác, “giấy phép lái xe” đã đủ để bảo đảm mục tiêu suy đoán của “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”.
Ngoài ra, điều này cũng tạo nguy cơ trùng lặp về nội dung đào tạo mà khả năng lớn là trùng lặp với đào tạo để cấp giấy phép lái xe (do mục tiêu quản lý là trùng lặp).
“Có thể với chứng chỉ, một số nội dung khác không liên quan đến kỹ năng lái xe mà về các nghiệp vụ kinh doanh sẽ được bổ sung. Tuy nhiên, nếu đúng thì thì việc đào tạo này là không cần thiết, vì mục tiêu quản lý cho các lái xe là hướng đến lái xe an toàn – kinh doanh là vấn đề của chủ doanh nghiệp, không phải của các lái xe.
Do đó, yêu cầu người lái xe đã có giấy phép lái xe phải có thêm “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải” là chưa hợp lý, tạo gánh nặng về thủ tục, chi phí và thời gian của lái xe và hoặc doanh nghiệp, khi phải trải qua hai lần đào tạo, hai lần cấp giấy phép. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định về việc cấp “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”- đại diện VCCI cho hay.
Khoản 1 Điều 56 quy định, “việc đặt biển tuyên truyền, quảng cáo trên đất hành lang an toàn đường bộ phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản”.
Quy định này có nguy cơ chồng chéo về thủ tục với các văn bản pháp luật khác mà cụ thể là Điều 31 Luật Quảng cáo và khoản 6 Điều 8 Thông tư 15/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng, khiến một công trình quảng cáo trên đất hành lang an toàn đường bộ có thể phải xin đến 3 ba giấy phép của ba cơ quan có thẩm quyền khác nhau cấp phép!
Mặt khác, theo VCCI, quy định này thiếu minh bạch ở chỗ, dự thảo hiện không quy định về bất kỳ tiêu chí/căn cứ để cơ quan quản lý đường bộ chấp thuận hoặc từ chối việc đặt biển quảng cáo, tuyên truyền trong hành lang an toàn đường bộ.
Ngoài ra, dự thảo cũng không đề cập cụ thể tới cơ quan quản lý đường bộ nào có thẩm quyền trong các trường hợp cụ thể (cơ quan có thẩm quyền theo địa giới hành chính hay theo loại đường giao thông liên quan?
Tương tự, khoản 1 Điều 81 Dự thảo quy định “Bến xe, trạm đón trả khách, bãi đỗ xe, trạm nghỉ được đầu tư xây dựng tại các vị trí được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận” cũng chồng lấn về thủ tục với nhiều quy định hiện hành và chưa minh bạch về cơ quan thực hiện.
Ngoài các nội dung trên, VCCI cũng góp ý và cho rằng nội dung quy định tại Điều 177 về kinh doanh vận tải bằng ô tô, các hình thức đầu tư theo đối tác công- tư, cung ứng dịch vụ phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải… đều cần cân nhắc, xem xét lại cho phù hợp thực tiễn.