Nhiều trường hợp sử dụng giấy đi đường không hợp lệ
Thời gian qua lực lượng chức năng đã phát hiện rất nhiều các tổ chức cấp khống giấy đi đường cho các cá nhân không phải là người thuộc đơn vị mình. Đây là việc làm hết sức nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ làm lây lan dịch bệnh khi các cơ quan chức năng không thể kiểm soát lịch trình của những đối tượng này.
Theo đó, ngày 20/8, tổ công tác của Đội CSGT số 3, Phòng CSGT Hà Nội làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát TTATGT trên tuyến đường Láng phát hiện một trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch. Anh L.V.D, SN 1990, trú tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội ra đường với lý do đi làm nhưng mang theo giấy đi đường không đúng quy định. Ngoài ra, anh D cũng mắc một số lỗi vi phạm giao thông khác. Sau khi thông báo các lỗi vi phạm, cán bộ của tổ công tác CSGT tiến hành lập biên bản xử phạt anh L.V.D. Anh D có thể bị phạt từ 1-3 triệu đồng.
|
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường của người dân. |
Trước đó, ngày 17/8 tại điểm chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 vào chợ Thịnh Liệt, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai Hà Nội, lực lượng chức năng đã phát hiện một người ngoài giấy đi đường của mình thì trong người còn mang theo 4 giấy đi đường không hợp lệ.
Theo lực lượng chức năng, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội vừa qua. Qua công tác tuần tra kiểm soát, đã phát hiện nhiều trường hợp sử dụng giấy đi đường không hợp lệ. Đáng chú ý, đây là một trong các lỗ hổng rất dễ phát sinh việc người đi ra đường không được kiểm soát. Bên cạnh đó, có không ít trường hợp lợi dụng việc cấp giấy đi đường để thực hiện các hành vi vi phạm. Và những hành vi như vậy đang tiềm ẩn không ít nguy cơ dẫn đến TNGT cũng như lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.
Thượng úy Nguyễn Hải Anh, Cán bộ đội CSGT số 3, Phòng CSGT CATP Hà Nội cho biết: “Một số trường hợp có thể làm online nhưng vẫn xin giấy đi đường. Chúng tôi kiên quyết xử lý hay có nhiều trường hợp lợi dụng giấy đi đường để ship đồ cho người nhà, người quen, cương quyết xử lý giảm tải người tham gia giao thông ra đường hạn chế phòng tránh dịch bệnh”.
Được biết trong những ngày qua trên địa bàn TP Hà Nội xuất hiện tình trạng mua bán giấy đi đường, cấp giấy đi đường sai quy định và thậm chí còn làm giả giấy đi đường. Những “mánh khoé” này thường được các chủ DN sử dụng để cán bộ, người thân của mình “thông” chốt đã gây không ít khó khăn đối với lực lượng chức năng trong việc đảm bảo giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, việc nhiều đơn vị cấp giấy xác nhận cho người quen hoặc người thân trong gia đình mà người này không phải là nhân viên của công ty hoặc thuộc các đơn vị, lực lượng chức năng được phép cấp giấy đi lại trong thời gian giãn cách là vi phạm quy định pháp luật.
|
Chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 số 23 (chốt cửa ngõ Thủ đô) phát hiện ôtô chở 6 cô gái cùng sử dụng giấy đi đường giả. |
“Mặc dù con dấu trên giấy là đúng, nhưng lại sai về mặt nội dung, do người được cấp giấy không làm việc tại cơ quan, tổ chức đó và cũng không thực hiện nhiệm vụ được ghi ở trên giấy. Bởi vậy, trong trường các hợp này giấy tờ được cấp sẽ được xác định là giấy tờ giả và người cấp giấy tờ giả sẽ bị xử lý hình sự về tội giả mạo trong công tác”, luật sư Thái cho biết.
Ngoài việc người sử dụng giấy đi đường trái quy định bị phạt, thì DN cấp giấy cũng sẽ phải chịu trách nhiệm đối với hành vi cấp giấy đi đường sai mục đích, không đúng đối tượng, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.
“Đây là hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nên DN vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính với số tiền phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 14, khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/NĐCP ngày 28-9-2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế”, luật sư Thái cho biết.
Đối với người sử dụng giấy đi đường, họ biết đây là giấy không đúng nhưng vẫn dùng để thực hiện hành vi trái pháp luật thì cũng có thể bị xử lý hình sự về hành vi sử dụng giấy tờ giả của cơ quan tổ chức theo Điều 341 BLHS năm 2015.
Theo luật sư Thái, trong trường hợp những người sử dụng giấy đi đường, giấy xét nghiệm Covid-19 giả thì cả người mua và người làm ra giấy này sẽ bị xử lý hình sự về tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức. Đặc biệt, trong trường hợp người dân mua giấy tờ giả về tự điền thông tin cá nhân của mình vào nhằm mục đích thực hiện hành vi vi phạm thì cũng có thể bị xử lý về hành vi làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức.
Luật sư Thái kiến nghị việc xử lý mạnh tay các đơn vị cấp khống giấy đi đường, có ý kiến cho rằng nếu phát hiện các cơ quan chức năng cần thiết có thể rút giấy phép kinh doanh để mang tính răn đe, phòng ngừa chung. Một số luật sư cho rằng, hiện nay việc xử phạt căn cứ theo Nghị định 117/2020/NĐCP xử phạt vi phạm hành chính và chưa có quy định hình thức xử phạt bổ sung là thu hồi giấy phép kinh doanh. Do đó, việc đề xuất bổ sung hình phạt thu hồi giấy phép cần phải tiến hành sửa đổi Nghị định mà việc này cần thời gian để ban hành và sửa đổi.
“Hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức, cụ thể là từ 6 giấy đi đường hoặc giấy xét nghiệm Covid-19 trở lên sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 341, BLHS năm 2015 và có thể bị xử phạt lên tới 7 năm tù”, luật sư Nguyễn Hồng Thái thông tin.