Tội phạm đường phố có xu hướng phức tạp
Ngày 7/11, công an TP Hà Nội đã tổ chức Hội thảo bàn về giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả của lực lượng 141 và công tác phòng chống tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập điều khiển xe gây rối trật tự công cộng.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP Hà Nội khẳng định: “Qua 13 năm thực hiện Kế hoạch 141 về việc tập trung kiểm tra, xử lý các đối tượng điều khiển mô tô, xe máy lạng lách, đánh võng, chở người sai quy định mang theo vũ khí tham gia giao thông, lực lượng 141 đã đạt nhiều thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn Thủ đô, là thương hiệu được lãnh đạo các cấp, các tầng lớp nhân dân Thủ đô, Bộ Công an ghi nhận, đánh giá cao”.
|
Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý thanh thiếu niên đi xe tốc độ cao trên đường phố. |
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, tình hình “tội phạm đường phố” có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp hơn, nhất là tình trạng thanh thiếu niên tụ tập thành các nhóm đông, điều khiển phương tiện mang theo vũ khí, dao, kiếm, công cụ hỗ trợ tham gia giao thông, sẵn sàng sử dụng vũ khí để thực hiện các hành vi phạm tội.
Để đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống tội phạm, nhất là “tội phạm đường phố” trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi lực lượng 141 phải đổi mới mô hình hoạt động theo hướng tập trung nhiệm vụ phòng, chống tội phạm; phát huy tối đa hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng, tạo sự gắn kết giữa hoạt động nghiệp vụ, trấn áp mạnh mẽ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Trên cơ sở đó, công an TP Hà Nội ban hành kế hoạch đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng 141 trong tình hình mới. Mục tiêu là triển khai lực lượng 141 phủ khắp từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã, tạo sự chuyển biến về chất và lượng của mô hình 141 trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phòng, chống tội phạm.
Tập trung lực lượng, nguồn lực bảo đảm răn đe, trấn áp mạnh mẽ, từng bước kiềm chế, tiến tới làm giảm các loại “tội phạm đường phố”, không để tội phạm trên các tuyến giao thông hoạt động, gây bức xúc dư luận.
Liên quan đến các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập điều khiển xe máy có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng, Đại diện Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội đánh giá đây là hiện tượng phức tạp, xảy ra ở nhiều tuyến, địa bàn. Một số vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc, lo lắng cho người dân.
Số liệu thống kê cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố Hà Nội phát hiện 116 vụ gây rối trật tự công cộng do các nhóm đối tượng thanh, thiếu niên tụ tập điều khiển xe máy chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, mang theo hung khí đuổi đánh nhau.
Các đơn vị trong Công an TP Hà Nội đã điều tra, xử lý 115/116 vụ, làm rõ 1.614 đối tượng, đạt tỷ lệ khám phá 99,1%. Các đối tượng tập trung hoạt động vào ban đêm, chủ yếu và phổ biến trong các khung giờ từ 20h-23h; 23h-2h sáng hôm sau và sau 2h. Địa bàn gây án của các đối tượng dàn trải và có xu hướng tập trung nhiều ở các huyện ngoại thành.
Chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự phân tích, các đối tượng vi phạm đều trong độ tuổi vị thành niên, đây là chủ thể nhạy cảm, được pháp luật bảo vệ nên rất được dư luận, xã hội quan tâm. Mặc dù các đối tượng thường cấu kết thành các nhóm đông nhưng đây không phải là các ổ nhóm tội phạm hình sự chuyên nghiệp để có thể áp dụng các biện pháp trấn áp mạnh mẽ, do vậy dẫn tới tình trạng “nhờn luật”.
Cụ thể hoá từng nhiệm vụ
Đại diện Phòng Cảnh sát hình sự cho rằng, sự tham gia, vào cuộc của các cấp, ban ngành, đoàn thể trong công tác phòng ngừa đối với loại tội phạm này chưa thường xuyên, nhất là tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, trong đó có thanh thiếu niên.
Đáng chú ý, vẫn có tâm lý coi đây là nhiệm vụ của riêng lực lượng Công an dẫn đến gia đình, nhà trường không quản lý chặt các mối quan hệ, thời gian sinh hoạt, phương tiện đi lại, để con em tự ý sử dụng xe mô tô, tụ tập với bạn xấu dẫn đến bộc phát vi phạm pháp luật;
Hiệu quả công tác giáo dục đối tượng trong độ tuổi trên còn hạn chế do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các đối tượng còn kém. Nhiều đối tượng mặc dù được cơ quan Công an gọi hỏi, răn đe, giáo dục nhưng sau đó vẫn tiếp tục vi phạm…
Bên cạnh đó, các vụ việc thường xảy ra vào ban đêm, diễn biến rất nhanh, trong thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố xuất hiện nhóm đối tượng là người ở địa phương khác đến địa bàn gây án, sau đó nhanh chóng rời khỏi thành phố nên cũng gây nhiều khó khăn cho công tác ngăn chặn, bắt giữ…
Trước thực tế đó, Giám đốc Công an TP Hà Nội Trung tướng Nguyễn Hải Trung yêu cầu các đơn vị thẳng thắn nhìn nhận, làm rõ các vấn đề cũng như bàn giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng trên, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, việc phát huy và nâng cao hơn nữa hoạt động của các tổ công tác 141 là hết sức cần thiết.
Hoạt động của lực lượng 141 phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành; có sự gắn kết chặt chẽ với công tác tuần tra, kiểm soát phòng, chống tội phạm của các đơn vị, lực lượng trong Công an thành phố; phát huy tối đa hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ của các lực lượng tham gia…
Thời gian tới, không chỉ tiếp tục duy trì các tổ công tác 141 tại các quận, Công an TP Hà Nội sẽ triển khai các tổ công tác 141 trải khắp các huyện; thành lập Trung tâm chỉ huy 141 đặt tại Trung tâm thông tin chỉ huy CATP với nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý thông tin, điều động, triển khai, hướng dẫn các tổ công tác 141 di chuyển, đón lõng, bao vây, phối hợp kiểm tra, bắt giữ, xử lý các đối tượng có hành vi, dấu hiệu vi phạm pháp luật. Phương thức hoạt động cũng sẽ được triển khai linh hoạt căn cứ vào tình hình thực tế.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP Hà Nội yêu cầu, cần phải cụ thể hóa các nhiệm vụ, biện pháp, trong đó tập trung công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình, từ đó xác định tuyến, địa bàn trọng điểm liên quan tới “tội phạm đường phố”, nhất là tình trạng thanh, thiếu niên điều khiển phương tiện gây rối trật tự công cộng;
Xây dựng phương án, kế hoạch, phân công phân nhiệm, trên cơ sở đó triển khai các biện pháp để phát hiện, bắt giữ, xử lý các đối tượng nghi vấn. Mục tiêu đặt ra là xử lý triệt để, tiến tới chấm dứt tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập điều khiển phương tiện lạng lách, đánh vọng, gây rối trật tự công cộng.
“Quan điểm chỉ đạo là tấn công liên tục, không ngừng không nghỉ, triệt để đến cùng, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tuyệt đối an toàn. Phương châm là phát hiện từ sớm, xử lý từ xa, xử lý triệt để, không để hình thành các ổ nhóm, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân…” - Trung tướng Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh.