Chủ động ngăn ngừa
Theo thống kê của Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội về đảm bảo TTATGT trong 9 ngày Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022, trên địa bàn Thủ đô có 31 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện xử lý; cùng với các lỗi vi phạm cơ bản như 495 trường hợp vi phạm không đội mũ bảo hiểm; 359 trường hợp vi phạm về dừng, đỗ xe và 11 trường hợp không tuân thủ tín hiệu đèn.
|
Lực lượng CSGT Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn của tài xế. Ảnh csgt.vn |
Đặc biệt, để đảm bảo tuyệt đối an toàn phục vụ nhân dân, trong 3 ngày đầu năm, Công an TP đã chủ động triển khai lực lượng chức năng trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, huy động 100% quân số lực lượng CSGT phối hợp với Công an các quận, huyện, thị xã tập trung điều hành, hướng dẫn giao thông tại các nút giao thông trọng điểm.
Bố trí các tổ tuần tra kiểm soát để xử lý các vi phạm, phòng chống ùn tắc giao thông cục bộ các ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài tại các tuyến đường cửa ngõ vào TP phục vụ người dân đi lại thuận tiện, thông suốt.
Tăng cường xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc và tai nạn giao thông, đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Tăng cường tuần tra, kiểm soát phòng chống đua xe và cổ vũ đua xe trái phép nhất là sau thời điểm kết thúc trận bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam - Trung Quốc.
Kết quả đã kéo giảm 2 tiêu chí về số vụ và số người chết, giảm 1 vụ, 2 người chết; tăng 1 người bị thương so với cùng kỳ năm 2021; không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy; không xảy ra đua xe, cổ vũ đua xe trái phép. Trong 3 ngày này, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý 60 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tạm giữ 2 phương tiện, 48 bộ giấy tờ, tước 1 Giấy phép lái xe.
Tăng cường cao điểm xử lý vi phạm
Đánh giá về kết quả công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Tham mưu – Công an TP cho biết, Công an TP đã chủ động triển khai đồng bộ, toàn diện các kế hoạch, phương án vừa bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vừa làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, phục vụ người dân Thủ đô vui xuân, đón Tết trong không khí vui tươi, an toàn, lành mạnh.
|
Thời gian sau Tết, các lực lượng trực thuộc Công an TP sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát, đảm bảo TTATGT. |
Trong thời gian tới, được sự quán triệt, chỉ đạo của Trung ương và TP, lực lượng Công an Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai lực lượng, phương án đảm bảo an ninh, trật tự, nhất là các mục tiêu trọng điểm của công tác bảo vệ; khu vực nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các hoạt động văn hóa, lễ hội sau Tết...
Bên cạnh đó là tiếp tục thực hiện quyết liệt kế hoạch về mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; kế hoạch về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kế hoạch về mở đợt cao điểm phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép pháo nổ; kế hoạch mở đợt cao điểm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; trật tự đô thị trật tự công cộng…đồng thời tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng động viên CBCS.
Các đơn vị, địa bàn chủ động tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm về TTATGT, TTĐT; tạo điều kiện thuận lợi, an toàn để nhân dân đi du xuân, tham gia các lễ hội đầu năm, học sinh, sinh viên, công nhân quay trở lại học tập, công tác.
Tổng hợp mức phạt được quy định tại Nghị định 100/2019, xử phạt nghiêm đối với người uống rượu, bia mà còn điều khiển phương tiện giao thông, trong đó có trường hợp vi phạm mà mức phạt tiền lên đến 40 triệu đồng.
1. Đối với người điều khiển xe máy
- Phạt tiền từ: 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (Điểm c Khoản 6 Điều 6).
Hình phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng (Điểm e Khoản 11 Điều 5).
- Phạt tiền từ: 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở (Điểm c Khoản 7 Điều 6).
Hình phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (Điểm g Khoản 11 Điều 5).
- Phạt tiền từ: 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (Điểm e Khoản 8 Điều 6).
Hình phạt bổ sung:Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (Điểm h Khoản 11 Điều 5).
2. Đối với người điều khiển ô tô
- Phạt tiền từ: 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (Điểm c Khoản 6 Điều 5).
Hình phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng (Điểm e Khoản 11 Điều 5).
- Phạt tiền từ: 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng nếu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở (Điểm c Khoản 8 Điều 5).
Hình phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (Điểm g Khoản 11 Điều 5).
- Phạt tiền từ: 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (Điểm a Khoản 10 Điều 5)
Hình phạt bổ sung:Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (Điểm h Khoản 11 Điều 5).
|