Có phải phòng vệ chính đáng?
Mới đây, vụ việc hai người đàn ông đi xe máy lên đường Vành đai 2 liên tục dùng lời lẽ không hay, đe dọa, chặn đầu và tấn công tài xế đi ô tô đã được ghi lại và phát tán trên mạng xã hội thu hút hàng nghìn lượt quan tâm.
Đáng chú ý, khi tấn công tài xế đi ô tô, 2 người đàn ông đi xe máy bị 2 người trên ô tô phản kháng ngã dúi dụi ra đường. Nhiều người đặt câu hỏi liệu 2 người đi ô tô có bị truy cứu trách nhiệm khi tấn công lại 2 người có dấu hiệu đe dọa, hành hung mình hay không?
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Phạm Thanh Hải, Trưởng văn phòng luật Hải Thanh nhận định, đối với tình huống này, có thể xét xét vào trường hợp 2 người đàn ông đi ô tô đang phòng vệ để bảo vệ bản thân cũng như tài sản trước sự đe dọa, tấn công của 2 người đi xe máy theo Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về phòng vệ chính đáng.
|
Ảnh cắt từ clip. |
“Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên” – luật sư Phạm Thanh Hải nói.
Theo luật sư Hải, hiện chưa có một văn bản nào quy định cụ thể hành vi như thế nào, trong tình huống cụ thể nào được xem là phòng vệ chính đáng. Tuy nhiên trước đây, trong Nghị quyết 02/1986/NQ-HĐTP có quy định về hành vi phòng vệ chính đáng này và trên thực tiễn các quy định này vẫn có tính chất tham khảo phù hợp nhất định trong việc áp dụng phòng vệ chính đáng.
Cụ thể, sự tấn công của hành vi xâm phạm có tính chất nguy hiểm đáng kể và trái pháp luật. Mức độ nguy hiểm đáng kể ở đây là tuỳ thuộc vào tính chất quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm phạm. Mức độ đáng kể của hành vi xâm phạm còn phụ thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công của người có hành vi xâm phạm.
Bên cạnh đó, hành vi xâm phạm phải là hành vi trái pháp luật, nếu hành vi xâm phạm lại là hành vi mà pháp luật cho phép, thì người bị xâm phạm không có quyền chống trả để phòng vệ.
Sự tấn công phải đang hiện hữu trên thực tế, tức đang xảy ra hành vi xâm phạm hay được hiểu là hành vi hành vi trái pháp luật và hành vi xâm phạm ở đây phải đã được bắt đầu và chưa kết thúc. Đồng thời, hành vi xâm phạm này có sự đe dọa xảy ra ngay tức khắc.
“Quan sát qua clip, hành vi tự vệ của 2 người đàn ông đi ô tô thỏa mãn các điều kiện nêu trên. Tuy nhiên vẫn cần có kết luận điều tra của cơ quan Công an” – Luật sư Phạm Thanh Hải chia sẻ.
Luật sư Phạm Thanh Hải cũng đưa ra lời khuyên, trong trường hợp này, để bảo vệ bản thân cũng như những người tham gia giao thông khác, tài xế ô tô nên dừng xe vào vệ đường, khóa chặt cửa xe và gọi điện cho lực lượng chức năng đến để giải quyết.
Vi phạm cả luật giao thông
Theo xác minh ban đầu, vụ việc xảy ra khoảng 16h ngày 25/2. Lúc này chị N.P.T.A. (sinh năm 1996, trú tại Long Biên, Hà Nội) đi ô tô trên đường Vành đai 2 trên cao hướng cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở.
Khi đi đến đoạn phía trên cầu Mai Động, chị T.A. bị xe SH màu da cam do Trần Văn Hiệp (sinh năm 1986, trú tại quận Hai Bà Trưng) lái chở Trịnh Thịnh (sinh năm 1980) lạng lách tạt đầu xe chị T.A. 2 người này đập vào xe chị T.A rồi chửi bới. Hiệp và Thịnh tiếp tục chạy trên đường Vành đai 2 trên cao và gây gổ với hai nam thanh niên trong xe ô tô màu trắng. Sau đó hai nam thanh niên trên ô tô này xảy ra xô xát với Hiệp và Thịnh.
Tại cơ quan Công an, Hiệp và Thịnh khai nhận nguyên nhân trước đó va chạm với xe ô tô của chị T.A. Cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh vụ việc.
Đường Vành đai 2 trên cao nối từ cầu Vĩnh Tuy tới Ngã Tư Sở, tốc độ cho phép 80km/h. Tuyến đường này chỉ dành cho ôtô, cấm xe máy, xe thô sơ và người đi bộ.