|
CSGT xử phạt 1 trường hợp học sinh điều khiển xe máy dưới 50cc nhưng không đội mũ bảo hiểm tại quận Đống Đa. Ảnh: Hoàng Hiệp |
Xung quanh đề xuất này, nhiều ý kiến cho rằng để hiện thực hóa quy định phải cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có lộ trình phù hợp, tránh gây xáo trộn, tạo áp lực không đáng có cho người dân cũng như các cơ quan chức năng.
Có vài triệu người phải học, thi cấp GPLX hạng A0
Những năm gần đây, xe đạp điện, xe máy điện và những chiếc xe gắn máy có dung tích nhỏ dưới 50cm3 đã trở thành phương tiện phổ biến tại Việt Nam. Đa phần những người điều khiển loại hình phương tiện này đều là học sinh.
Thực tế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có thể nhắc tới sự điều chỉnh của pháp luật và sự tiện lợi loại hình phương tiện này đem lại. Theo Luật Giao thông đường bộ 2008, người đủ 16 tuổi trở lên điều khiển xe máy dưới 50cm3 không cần GPLX, trong đó có cả xe máy điện. Nhiều cha mẹ học sinh sẵn sàng bỏ tiền mua xe cho con để tự đến trường.
Năm học 2019 – 2020, cả nước có khoảng 2.599.000 học sinh ở bậc THPT. Trong đó, tỉ lệ học sinh THPT lựa chọn xe điện, xe gắn máy thể tích dưới 50cm3 là phương tiện di chuyển thông dụng ở mức khá cao. Ước tính số lượng xe máy xe đạp điện và xe gắn máy dưới 50cm3 tại Việt Nam vào khoảng gần 5 triệu chiếc. Và số lượng loại phương tiện này được dự báo sẽ tiếp tục tăng thêm trong tương lai gần.
Với đề xuất Bộ Công an đưa ra mới đây, bắt buộc người lái xe máy, xe máy điện có dung tích xi lanh dưới 50cm3 hoặc có công suất động cơ điện không quá 4kw phải được đào tạo, sát hạch, cấp GPLX hạng A0. Như vậy, đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng nhất của quy định này nếu được thông qua là các học sinh THPT đang sử dụng loại hình phương tiện này làm phương tiện di chuyển, ước tính số lượng đến cả triệu trường hợp.
|
Học sinh THPT là đối tượng phổ biến nhất sử dụng xe máy dưới 50cc, xe điện khi đến trường |
Có tính khả thi cao nêú chuẩn bị kỹ
Sau 12 năm triển khai Luật Giao thông đường bộ 2008, quy định người điều khiển xe gắn máy dưới 50cm3 không cần GPLX đã trở nên không phù hợp. Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, 90% số vụ tai nạn giao thông (TNGT) với trẻ em trong những năm gần đây là rơi vào nhóm từ 16 - 18 tuổi.
Chính vì chưa trải qua lớp, khóa đào tạo, hướng dẫn lái xe nên kỹ năng xử lý tình huống khi tham gia giao thông của học sinh hạn chế nên có không ít vụ TNGT xảy ra, gây hoang mang cho người tham gia giao thông khác.
Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), việc giáo dục ATGT đã được thực hiện trong các nhà trường lâu nay, nhưng thường chỉ được lồng ghép trong giờ học ngoại khóa, hay các buổi nói chuyện chuyên đề tổ chức thưa thớt. Lên cấp 2, cấp 3, khi áp lực học tập tăng cao, đến cả những giờ ngoại khóa cũng trở nên khó khăn.
Các em học sinh khi về với gia đình, không phải bố mẹ nào cũng sát sao hướng dẫn, nhắc nhở, tập huấn về kỹ năng ATGT. Trong khi đó, đây chính là độ tuổi các em ngày càng chủ động nhiều hơn trong việc đi lại, cho nên TNGT tiềm ẩn mức rất cao với nhóm tuổi này.
Do đó, việc yêu cầu phải học và thi lấy bằng lái xe đối với nhóm phương tiện dưới 50cm3 là cần thiết. Không chỉ phù hợp với xu hướng trên thế giới, mà điều này còn có ý nghĩa quan trọng trong việc trang bị những kiến thức, kỹ năng ATGT một cách bài bản, có hệ thống cho người trẻ ở độ tuổi vị thành niên, để họ hiểu lý do và chịu trách nhiệm cho hành vi giao thông của mình. Quy định này cũng sẽ gắn trách nhiệm của người lớn để không thể chủ quan, tùy tiện giao xe cho con em mình như trước.
Ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và Người lái, Tổng cục Đường bộ cho rằng, trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi do Bộ GTVT soạn thảo dự kiến trình Chính phủ vào tháng 5 này cũng quy định, người điều khiển xe máy dưới 50cm3 phải được cấp GPLX. Điều này phù hợp với các công ước quốc tế cũng như thực tế tại Việt Nam.
“Điểm mới trong dự thảo lần này rất phù hợp với thực tế, vì lượng học sinh THPT là người sử dụng phương tiện dưới 50cm3, xe máy điện tham gia giao thông rất lớn. Tuy nhiên, để cấp GPLX cho học sinh thì cần phải nghiên cứu tính toán kỹ lưỡng để đào tạo và thi sát hạch, việc này do Chính phủ và Bộ GTVT sau này sẽ quy định để tổ chức đào tạo, thi như nào”, ông Thống cho hay.