Theo lý giải của VATA, quản lý đào tạo, sát hạch cấp GPLX là hoạt động quản lý Nhà nước trong lĩnh vực dân sự. Do đó, nếu chuyển sang công tác quản lý, đào tạo, sát hạch cấp GPLX cho Bộ Công an quản lý là không phù hợp. Bởi, với mô hình hiện nay, ngành GTVT quản lý còn ngành công an kiểm tra, giám sát. Nếu có trường hợp sai phạm, tiêu cực thì công an xử lý – đây là biện pháp bảo đảm nguyên tắc giám sát giữa các ngành, tránh hiện tượng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, dễ phát sinh tiêu cực.
“Trong trường hợp ngành công an quản lý công tác này thì cơ quan nào có chức năng kiểm tra, giám sát việc đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe?” – đại diện VATA nêu vấn đề. Thậm chí, VATA còn cho rằng, nếu chuyển giao thẩm quyền cấp GPLX xe cho lực lượng vũ trang sẽ tạo ra khó khăn khi công nhận và đổi giấy phép lái xe giữa các nước, vì hầu hết việc cấp GPLX tại các quốc gia khác do các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực dân sự thực hiện.
Luật sư La Văn Thái - Giám đốc Công ty luật Tầm nhìn và Thịnh vượng nêu vấn đề, khách quan có thể thấy lĩnh vực sát hạch thi GPLX là lĩnh vực dân sự, Bộ GTVT và Bộ Công an đều có thể làm tốt. Bộ Công an cho rằng, việc sát hạch, cấp GPLX do ngành GTVT quản lý hiện còn nhiều kẽ hở, lỏng lẻo… Vây, khi chuyển về cho ngành công an thì có đảm bảo sẽ không có những hạn chế tương tự? Cũng theo luật sư La Văn Thái, mấu chốt vấn đề là làm sao vừa giữ nguyên quy định như hiện hành mà vẫn có các giải pháp để ngăn ngừa tiêu cực.
“Với công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, hệ thống dữ liệu liên thông từ cấp GPLX, đăng kiểm, xử phạt… các cơ quan chỉ cần phối hợp tốt sẽ mang lại hiệu quả cao. Điều mà dư luận quan tâm nhất là dự thảo sau khi đi vào thực tế sẽ góp phần cải cách hành chính cũng như nâng cao được chất lượng sát hạch GPLX để tạo được sự bình an hơn cho người tham gia giao thông" - luật sư La Văn Thái bày tỏ.