Đổ xô đi mua bảo hiểm xe máy: Cẩn trọng để tránh bị lừa

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Từ 15/5 – 14/6, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc ra quân tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Người dân không có hoặc không mang đầy đủ giấy tờ theo quy định cũng có thể bị xử phạt. Bởi vậy, những ngày qua, nhiều người đổ xô đi mua bảo hiểm xe máy.

Bảo hiểm xe máy “cháy” hàng
Khi nghe thông tin về việc CSGT tổng kiểm soát phương tiện, anh Nguyễn Văn Phương (34 tuổi, quận Thanh Xuân) đã lục lại các loại giấy tờ xe máy của mình và “tá hỏa” khi giấy bảo hiểm phương tiện bắt buộc đã bị hết hạn từ năm 2017.
Ngay lập tức, anh đến cây xăng gần nhà để mua bảo hiểm mới với giá 66.000 đồng. Còn chị Nguyễn Thu Hiền (39 tuổi, quận Hà Đông) cho biết, mua xe máy từ năm 2010 nhưng chị chưa bao giờ mua bảo hiểm xe bắt buộc.
Tại Hà Nội, bảo hiểm cho xe máy bán phổ biến nhất ở các cây xăng, siêu thị, cửa hàng tạp hóa và thậm chí cả ở ven đường. Trong mấy ngày gần đây, khi nhu cầu mua bảo hiểm của người dân tăng cao, dịch vụ bán bảo hiểm xe máy càng sôi động hơn bao giờ hết. Việc có một bảo hiểm xe máy rất dễ dàng và nhanh chóng, chỉ mất chưa đến 5 phút. Chị Hoàng Tuyết Nga (40 tuổi, trú tại quận Ba Đình) cho hay, khi biết tin CSGT có thể sẽ kiểm tra giấy tờ xe, do đặc thù công việc bận rộn, chị đã lên mạng tìm hiểu mua bảo hiểm.
Ở đây, chị Nga đã hoa mắt trước rừng thông tin về bảo hiểm dành cho xe cơ giới. Theo lời giới thiệu của người bán, mỗi bảo hiểm cho xe máy có giá từ 50.000 đồng, nếu mua loại hai năm thì giá khoảng 80.000 đồng. Ngoài ra, người bán còn giới thiệu cho chị 3 – 4 loại bảo hiểm cho xe máy khác với giá từ 40.000 – 80.000 đồng/năm, còn có chế độ “khuyến mại” khi mua nhiều.
"Chỉ cần chụp lại ảnh đăng ký xe gửi cho người bán rồi chọn hình thức thanh toán. Sau khoảng 30 phút, bảo hiểm sẽ được người bán giao tới tận nhà. Số lượng mua không giới hạn, khách cần bao nhiêu cũng có" - chị Nga nói.
Chị Hoàng Thị Minh (42 tuổi, quê Nam Định) bán mũ bảo hiểm, đồng thời bán cả bảo hiểm xe máy trên đường Nguyễn Xiển cho biết, trong vài ngày qua, số lượng khách mua bảo hiểm xe máy tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày, chị bán được xấp xỉ 200 giấy bảo hiểm.
Chị Minh cho biết: “Có thời điểm cháy hàng, phải gọi điện cho đại lý mang phôi đến gấp. Cả chồng con cũng được huy động ra ghi cho khách vì đông quá”. Được biết, mỗi giấy bảo hiểm bán được, chị Minh được đại lý chiết khấu khoảng 15%.
Theo tìm hiểu, trên thị trường còn có nhiều người rao bán bảo hiểm xe máy với mức giá siêu rẻ, chỉ 10.000 – 20.000 đồng/năm cùng lời cam kết chắc nịch là loại “xịn”, sẽ không bị CSGT xử phạt. Những loại bảo hiểm siêu rẻ xuất hiện khá nhiều trên các vỉa hè.
Đối với những trường hợp này, ông Vũ Xuân Thưởng – Giám đốc Ban Bảo hiểm xe cơ giới (Tổng Công ty Bảo hiểm Bưu điện – PTI) khuyến cáo: "Trước những lời rao bán, chào mời trên mạng bán bảo hiểm xe máy giá rẻ và hình thức bán ở vỉa hè như hiện nay, người đi xe máy mua bảo hiểm cũng cần cẩn trọng kẻo mua phải bảo hiểm giả".
Cần hiểu đúng về bảo hiểm
Bảo hiểm xe máy bắt buộc có tên gọi đầy đủ là bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe mô tô - xe máy. Đây là một trong những loại giấy tờ mà người điều khiển xe cơ giới phải mang theo khi tham gia giao thông theo quy định tại Thông tư số 22/2016/TT-BTC ra ngày 16/02/2016. Cùng với giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, bảo hiểm bắt buộc là 1 trong 3 loại giấy tờ luôn phải mang theo mình khi tham gia giao thông bằng xe máy (được quy định tại khoản 2, Điều 58, Luật Giao thông đường bộ).
Theo quy định hiện hành, mức phí bảo hiểm bắt buộc TNDS với xe máy dao động từ 50.000 - 60.000 đồng/năm (chưa bao gồm thuế GTGT). Khi mua bảo hiểm xe máy bắt buộc, nếu tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, DN bảo hiểm sẽ phải bồi thường cho chủ xe máy số tiền mà chủ xe đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Trên thực tế, nhiều vụ tai nạn xảy ra, người gây tai nạn cũng bị thương vong hoặc không có đủ tiền để bồi thường cho gia đình nạn nhân khiến nhiều người lâm vào cảnh túng quẫn. Nếu chủ xe tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS, các DN bảo hiểm sẽ phải chi trả, giúp giảm bớt một phần khó khăn trên.
Từ tháng 9/2008 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới. Có thể hiểu, đây là loại hình mà các cá nhân hoặc DN phải mua theo luật định và được xem như chính sách an sinh xã hội của Nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông do xe cơ giới gây ra.
Theo Thông tư 22/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, bảo hiểm xe máy có 2 loại là bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện. Tuy nhiên, cần lưu ý bảo hiểm xe máy bắt buộc không chịu trách nhiệm chi trả thiệt hại về người và phương tiện cho chủ xe (người mua bảo hiểm).
Còn đối với bảo hiểm tự nguyện, ngoài phần bồi thường từ bảo hiểm bắt buộc, người tham gia giao thông sẽ được nhận thêm một khoản bồi thường từ bảo hiểm tự nguyện. Loại bảo hiểm này với tính chất là tự nguyện, người dân có quyền sử dụng hoặc không sử dụng. Loại bảo hiểm này thường được bán kèm với bảo hiểm bắt buộc, có giá từ 10.000 trở lên.
Tuy nhiên, với bảo hiểm tự nguyện không phải xuất trình khi CSGT kiểm tra giấy tờ. Như vậy, trong trường hợp CSGT kiểm tra giấy tờ của người tham gia giao thông mà không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc TNDS còn hiệu lực, trong khi có bảo hiểm tự nguyện vẫn có thể bị phạt.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Trung tá Trần Quang Vinh – Đội trưởng Đội Tuyên truyền và điều tra, giải quyết TNGT (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho biết, Luật Giao thông đường bộ đã quy định bắt buộc người tham gia giao thông phải mang theo những loại giấy tờ gì, đây không phải quy định mới. Trong quá trình tuần tra kiểm soát hoặc phát sinh vi phạm giao thông, nếu CSGT kiểm tra không đủ giấy tờ sẽ nhắc nhở, xử phạt theo đúng quy định.

"Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, hành vi không có hoặc không mang theo bảo hiểm TNDS bắt buộc có thể bị phạt từ 100.000 – 200.000 đồng đối với xe máy và 400.000 – 600.000 đồng đối với ô tô. Trước đây, Nghị định 46/2016/NĐ-CP cũng đã quy định mức xử phạt 80.000 – 120.000 đồng đối với xe máy và từ 200.000 – 400.000 đồng đối với ô tô. Như vậy, quy định và mức xử phạt đối với hành vi này không phải bây giờ mới có." -Luật sư Dương Đức Thắng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội


"Việc bắt buộc phải có và mang theo các loại giấy tờ như giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với ô tô, xe máy đã được quy định rất cụ thể tại khoản 2, Điều 58, Luật Giao thông đường bộ 2008. Trong quá trình tuần tra kiểm soát hoặc phát sinh vi phạm giao thông, nếu CSGT kiểm tra không đủ giấy tờ sẽ nhắc nhở, xử phạt theo đúng Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Ngoài ra, người dân có quyền giám sát lực lượng CSGT làm nhiệm vụ theo đúng quy định tại Thông tư 67/2019/TT-BCA của Bộ Công an. Nếu người dân ra đường với đầy đủ giấy tờ, đồng thời tham gia giao thông một cách nghiêm chỉnh, văn minh thì hoàn toàn không có gì phải ngại." -Đội trưởng Đội Tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, Trung tá Trần Quang Vinh

Hoàng Hiệp - Thành Luân

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h