Đối tượng vi phạm nồng độ cồn, đốt xe của cảnh sát phạm nhiều tội?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Luật sư cho biết, hành vi tự đốt xe khi lực lượng CSGT đang xử lý vi phạm nồng độ cồn là hành vi trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ.

Doi tuong vi pham nong do con, dot xe cua canh sat pham nhieu toi? - Hinh anh 1
Người đi đường hỗ trợ lực lượng CSGT dập lửa sau khi đối tượng đốt xe chuyên dụng. Ảnh: người dân cung cấp

Lái xe chống đối lực lượng làm nhiệm vụ

Ngày 29/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra CA huyện Long Thành, tỉnh Quảng Nam đã tạm giữ Lê Văn Thắng, SN 1984, quê huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ. Thắng là đối tượng đã đốt xe máy bị Cảnh sát giao thông (CSGT) tạm giữ vào tối 28/4.

Thông tin ban đầu, ngày 28/4, tổ công tác của Trạm CSGT ngã ba Thái Lan tiến hành tuần tra kiểm soát tại km 20 + 200, quốc lộ 51 thuộc ấp Hàng Gòn, xã Lộc An, huyện Long Thành từ 15h đến 21h theo kế hoạch. Đến khoảng 20h35 cùng ngày, tổ công tác phát hiện tài xế Lê Văn Thắng điều khiển xe máy biển số 60H1-166.40 trong hơi thở có nồng độ cồn.

Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, biên bản tạm giữ phương tiện đối với Lê Văn Thắng theo quy định với các lỗi vi phạm: điều khiển xe trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở (kết quả đo 0,048 mg/l); không có giấy phép lái xe; không có giấy đăng ký xe.

Tuy nhiên, Lê Văn Thắng không ký biên bản và bỏ đi. Tổ công tác đưa xe của Thắng lên ô tô tải chuyên dụng của CSGT. Một lúc sau, khi tổ công tác đang xử lý vi phạm các trường hợp khác, Lê Văn Thắng quay lại, trèo lên thùng xe chuyên dụng của CSGT và có lời nói, hành động chống đối lực lượng làm nhiệm vụ.

Doi tuong vi pham nong do con, dot xe cua canh sat pham nhieu toi? - Hinh anh 2
Điều tra viên lấy lời khai của tài xế Lê Văn Thắng. Ảnh: CACC

Tổ công tác đã giải thích, vận động Lê Văn Thắng xuống xe nhưng đối tượng không chấp hành. Đối tượng này còn mở cốp xe máy của mình (đã bị tạm giữ) mở nắp bình xăng rồi bật lửa đốt.

Đám cháy nhanh chóng lan sang 3 xe máy khác là những phương tiện vi phạm đang để trên thùng xe chuyên dụng của CSGT. Tổ công tác đã cùng người dân dùng bình cứu hỏa, nước dập tắt được đám cháy. Tuy nhiên, cả 4 chiếc xe máy đã bị cháy, hư hỏng. Đối tượng Thắng sau đó đã bị khống chế, bàn giao cho CA huyện Long Thành xử lý.

Phạm một lúc nhiều tội danh

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trong trường hợp này, sau khi kiểm tra nồng độ cồn, lực lượng chức năng đã xác định tài xế Lê Văn Thắng có nồng độ cồn là 0,048 mg/l khí thở. Hành vi trên đã vi phạm nồng độ cồn.

Ngoài ra, hành vi tự đốt xe của chính mình, khi lực lượng CSGT đang xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn là trái pháp luật, gây cản trở người thi hành công vụ. Trong trường hợp trên, chiếc xe máy là tang vật và là cơ sở để lực lượng CSGT tiến hành lập biên bản xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn và chiếc xe có thể bị tạm giữ. Hành vi tự đốt xe của chủ xe đã trực tiếp gây cản trở lực lượng CSGT thực hiện công vụ. Căn cứ Điều 330, Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi tự đốt xe của chủ xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Chống người thi hành công vụ” với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.

Bên cạnh đó, hành vi trên có thể bị xử lý hành chính hoặc khởi tố về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318, Bộ luật Hình sự. Trường hợp này, hành vi gây rối trật tự công cộng đã gây hậu quả nghiêm trọng. Trong trường hợp không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng trước đó đã có vi phạm hoặc chưa được xóa án tích thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245, Bộ luật Hình sự, mức hình phạt có thể đến 2 năm tù giam.

Trong vụ việc trên, hành vi đốt xe máy của tài xế là hành vi coi thường pháp luật, đã gây hậu quả nghiêm trọng. Hành vi này có thể bị khởi tố thêm tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” được quy định tại Điều 178, Bộ luật Hình sự.

Theo đó, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá 2-50 triệu đồng, tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2 triệu đồng thuộc một trong những trường hợp thuộc khoản 1 điều này thì bị phạt tiền 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

“Tôi cho rằng, đấy là do thiếu ý thức khi tham gia giao thông, khi bị phát hiện, ngăn chặn, xử lý lại coi thường pháp luật. Do vậy, đã không dừng lại ở mức vi phạm hành chính mà có tính chất bị coi là tội phạm, đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Các cơ quan pháp luật phải xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa. Nếu cần thiết, phải xem đây là án điểm, đưa ra xét xử lưu động để tuyên truyền, phòng ngừa, răn đe tội phạm nhằm nâng cáo hiểu biết và ý thức pháp luật cho người dân” - luật sư Thái cho biết.

Thái An

Tin liên quan