Không mất thời gian cho một khoá học với những phần thi lý thuyết, thực hành trong một quy trình khắt khe, chỉ với một cuộc điện thoại, thậm chí là một tin nhắn ngã giá, nhiều người đã dễ dàng mua hoặc bán giấy phép lái xe (GPLX)!
- Em muốn mua bằng B2, bao lâu là có? Bên anh uy tín không vậy?
- Bằng nào bên anh cũng có, đảm bảo 100%. Em muốn có khi nào? Làm sáng ngày mai có, giá 3.500.000 – 4.000.000, cam kết là uy tín nha em. Bên anh làm hàng ngàn bằng rồi còn gì!
Đó là cuộc trao đổi của PV chương trình với một đối tượng từ chuyên trang chuyên cung cấp bằng lái xe giả các loại.
Đối tượng này liên tục khẳng định và đưa ra các lời cam kết chắc nịch về dịch vụ của mình. Truy cập vào website có tên miền “lambanggap” (Làm bằng gấp – PV), phóng viên ghi nhận còn nhiều hơn những lời “đường mật” phân tích, thuyết phục người mua giấy phép lái xe giả: “giao bằng toàn quốc 24h theo đường hoả tốc”, “giống thật 100%”, “có tem phôi và quốc huy rọi chiếu 7 màu”, “có hồ sơ gốc”…
Chỉ cần người mua chụp ảnh kèm thông tin cá nhân gửi sang zalo, việc mua – bán GPLX giả được hoàn thành nhanh chóng. Vậy thì việc lực lượng chuyên ngành thu giữ hàng trăm GPLX giả trong các đợt ra quân tuần ra, kiểm soát vừa qua là điều không khó lý giải.
|
Học thi bằng lái xe ô tô hạng B2 phải mất tối thiểu 4 tháng nhưng chỉ cần 4 ngày là có được bằng giả y như thật được rao bán nhan nhản trên mạng (Các bước để mua GPLX giả). |
Ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin: Trong thời gian vừa qua, các Sở GTVT tiếp nhận rất nhiều trường hợp đến đổi GPLX nhưng khi tra cứu trên cơ sở dữ liệu thì toàn bộ là GPLX giả. GPLX đã quản lý từ lúc học đến lúc sát hạch, và có cơ sở dữ liệu quản lý của Tổng Cục Đường bộ Việt NAm, nên mọi người có thể tra cứu dữ liệu đó để phát hiện giấy phép lái xe thật, giấy phép lái xe giả.
Tại Tp.HCM, ông Ngô Đình Quang - Trưởng phòng sát hạch GPLX, cho biết chỉ riêng tháng 5/2019, qua xác minh 444 GPLX, đơn vị đã phát hiện ra 71 GPLX giả. Hiện nay, tỉ lệ thi đậu để được cấp GPLX ôtô tại Tp.HCM là khoảng 60%. Có những người biết lái xe nhưng không đăng ký học đến nơi đến chốn mà tìm cách mua GPLX giả.
Trước đó, theo số liệu của Phòng Quản lý sát hạch cấp giấy phép lái xe, thành phố cũng đã phát hiện gần 800 giấy phép lái xe giả trong năm 2018 với tỉ lệ GPLX giả hạng A1 chiếm khá nhiều, sau đó hạng B2, hạng C, hạng D…
Nguyên nhân việc mua bán và sử dụng GPLX giả ngày càng công khai, gia tăng được nhận định là do không ít người không đảm bảo các quy định để được dự thi, sát hạch GPLX cũng như e ngại làm hồ sơ, thủ tục, lại sợ thi trượt hoặc đã trượt nhiều lần trong các kỳ thi sát hạch, cấp GPLX.
Bên cạnh đó, với giá trị thấp hơn nhiều lần so với bằng thật, khi bị xử phạt vì vi phạm luật giao thông, hầu hết những người có bằng lái giả đều không nộp phạt và bỏ luôn bằng lái.
Trước thực tế này, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nhận định: "Tình trạng người ta quảng cáo trên mạng như thế, nó cũng phản ánh thực trạng trong công tác quản lý của chúng ta còn nhiều lỗ hổng".
Nhằm qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng liên tục đưa ra nhiều phương thức tinh vi, các phương tiện kỹ thuật hiện đại để nâng cấp “công nghệ” làm GPLX giả, nhất là khi dữ liệu quản lý giấy phép lái xe đã được liên thông giữa Tổng cục Đường bộ với cảnh sát giao thông.
Mới nhất là chiêu thức “dùng bằng lái scan”. Theo đó, bằng lái xe thật được dùng máy scan để nhân bản thêm ra nhiều bằng lái xe giả. Nếu lái xe vi phạm bị thu giữ bằng lái xe này sẽ có những chiếc bằng khác tương tự để dùng.
Lực lượng chuyên ngành thì gặp phải nhiều khó khăn, trở ngại khi tiến hành tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm còn người dân lại mang ám ảnh thường trực vì những “quái xế” với những tấm bằng “rởm” có thể trực tiếp gây tai nạn bất cứ lúc nào.
|
Nhiều giấy phép lái xe giả bị lực lượng CSGT phát hiện và thu hồi. |
Chị Quỳnh An, một người dân ở đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh chia sẻ: "Thời đại bây giờ thiệt cái gì cũng giả được, nhưng mà cái bằng lái xe giả rất nguy hiểm nha. Học luật biết bao nhiêu, sơ sảy còn gây tai nạn chứ nói gì lái xe cầm bằng giả mà hổng biết luật gì?"
Anh Ngọc Tài, người dân ở phường 5, quận 10 thì bức xúc: "Tôi rất bất ngờ, bán bằng lái giả mà công khai trên mạng xã hội, còn nhắn tin liên tục vào máy điện thoại của tôi. Vậy thì ai quản lý? Cái này trách nhiệm của ai? Rồi những người vô tội bị tai nạn bởi hành vi này thì các đối tượng mua bán bằng giả có phải là kẻ gián tiếp giết người không?"
Bằng giả - ẩn hoạ thật
Tồn tại đã nhiều năm, lại liên tục tái diễn với thủ đoạn tinh vi, công khai, hành vi mua bán, và sử dụng GPLX giả đã và đang dẫn đến những ẩn hoạ khó lường. Làm gì để ngăn chặn hành vi này?
Bằng giả - ẩn hoạ thật, đó không chỉ là câu nói mang tính cảnh tỉnh, nhắc nhở, đó sẽ là hậu quả thực tế, thậm chí là rất đau lòng nếu mỗi người chúng ta xem nhẹ việc học và thi lấy bằng lái xe.
Giấy phép lái xe chỉ là một tờ giấy nhỏ, nhưng với một người hiểu giá trị của cuộc sống thì mảnh giấy ấy lại mang sức nặng ngàn cân. Đó là trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với xã hội.
Chiếc bằng giả được chế tạo tinh vi như thật, chúng ta có thể qua mặt lực lượng chức năng khi kiểm tra, nhưng không thể qua mặt lương tri của chính chúng ta. Chiếc giấy phép lái xe đâu chỉ là vài ba câu xác nhận đơn thuần, đó là kết quả của kiến thức luật giao thông, là kỹ năng xử lý tình huống khi tham gia giao thông, hay nói một cách hình ảnh là kỹ năng để ta tránh được những tình huống đối mặt với tử thần.
Có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi khi nghe thống kê về tình hình tai nạn giao thông, trong số những người bị thương, những người tử vong vì tai nạn giao thông, liệu có bao nhiêu người sử dụng bằng lái xe giả?
Đó chính là sức nặng của tấm bằng nhỏ bé vô tri. Bởi sức nặng ấy đè lên ký ức của người ở lại khi người thân ra đi, là sức nặng làm kinh tế trì trệ, kéo lùi sự phát triển của xã hội.
|
Với công nghệ làm giả giấy tờ hiện đại, tinh vi, rất khó xác định người điều khiển phương tiện dùng GPLX thật hay giả. |
Sau hiểm nguy về sinh mạng còn là sự tha hoá về đạo đức khi chúng ta xem nhẹ lòng tự trọng, chấp nhận sự giả dối, để cho cái hư trà trộn vào cái thật. Sự băng hoại đạo đức của cả một xã hội nhen nhóm từ những điều tưởng như nhỏ nhặt mà chúng ta xem thường.
Phải khẳng định, không có người mua sẽ chẳng có kẻ bán! Vì bất cứ lý do nào thì sử dụng giấy phép lái xe giả đều không thể chấp nhận được. Người điều khiển phương tiện qua đào tạo chính quy, nếu không chú ý và quan sát khi lưu thông vẫn có thể không may để xảy ra tai nạn.
Huống hồ những người không am hiểu luật, yếu lý thuyết lẫn kỹ năng! Đặc biệt, sử dụng GPLX giả khi điều khiển phương tiện, nhất là lái xe kinh doanh vận tải có phương tiện có sức chứa, tải trọng lớn chuyên chở hàng hoá, hành khách thì càng nguy hiểm bởi có thể dẫn tới tai nạn thảm khốc và không gì có thể khắc phục được. Những hành vi này có tính chất hình sự, rất cần các chế tài “mạnh tay” và quyết liệt.
Không chỉ người mua, kẻ bán cũng cần bị xử phạt thật nặng. Chỉ vì tư lợi cá nhân, các đối tượng này đã gây nên sự bất ổn cho xã hội, và gián tiếp gây nên nhiều tai nạn thảm khốc. Thời gian qua, cũng đã có những đường dây làm bằng giả tinh vi, cấu kết các đối tượng ngoại quốc tại Campuchia, Thái Lan, thậm chí Hàn Quốc,… nhằm quy đổi trái phép bằng lái quốc tế sang bằng chính quy và ngược lại.
Đây là hành vi trái với cam kết, quy ước của Việt Nam với các nước bạn. Vừa qua, phía cảnh sát Hàn Quốc đã yêu cầu tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol điều tra các đối tượng cùng những đồng phạm ở Việt Nam trong một đường dây làm GPLX giả ở nước này bị phát hiện.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cũng đã có công văn khẩn gửi Sở GTVT các địa phương yêu cầu xử lý ngay tình trạng này. Cụ thể, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát các kỳ sát hạch lái xe theo quy định; đồng thời, mỗi tháng tổ chức giám sát đột xuất một số kỳ sát hạch lái xe, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm của cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch, hội đồng sát hạch, tổ sát hạch (nếu có).
Ngoài ra, bộ phận cấp, đổi GPLX ở cơ sở tra cứu dữ liệu, tra cứu vi phạm trong hệ thống cơ sở dữ liệu GPLX để phát hiện GPLX giả, GPLX bị cơ quan công an thu giữ hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi, xử lý kịp thời theo pháp luật các đối tượng vi phạm.
Đây là nỗ lực của cơ quan chuyên ngành nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, tránh trở thành “con mồi” cho các “cò” lợi dụng mua – bán GPLX giả, người dân cần đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền làm thủ tục cấp, đổi GPLX trực tiếp.
Đồng thời, sẵn sàng thông tin, tố giác các đường dây mua – bán GPLX giả đến cơ quan hữu quan vì chính sự an toàn của mình và người khác.
Hơn lúc nào hết, đã đến lúc chúng ta cần những biện pháp quyết liệt hơn để bài trừ hành vi mua, bán và sử dụng GPLX giả. Bởi, bằng lái có thể là giả, nhưng sinh mạng mỗi người, là thật!