|
Ảnh minh họa |
Gần 2 tháng qua, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực đã tác động tích cực tới tình hình giao thông trên cả nước. Hầu hết các lỗi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ đều có mức xử phạt cao hơn so với Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Trong đó nhiều lỗi vi phạm bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX), thời gian tước GPLX có thể lên tới tối đa 24 tháng.
Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), chính vì lý do trên, thời gian qua để tránh việc bị tước GPLX khi đến xử lý vi phạm, một số cá nhân đã giả khai báo mất GPLX hoặc không có GPLX. Mục đích của việc làm này, là sau khi đã chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người vi phạm vẫn có thể sử dụng GPLX để điều khiển phương tiện. Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, số trường hợp xin cấp lại GPLX do bị mất tăng tới 30% so với trước khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.
Cục Cảnh sát giao thông cho biết, đối với những trường hợp khai báo gian dối hoặc sử dụng các loại giấy tờ giả, lực lượng chức năng sẽ dùng các biện pháp nghiệp vụ để xác minh làm rõ. Bên cạnh đó, giữa Cục Cảnh sát giao thông và Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng như lực lượng cảnh sát giao thông và ngành giao thông các tỉnh, thành phố đã có sự chia sẻ dữ liệu về GPLX, để thống nhất việc quản lý và xử lý vi phạm.
Cụ thể, từ tháng 6/2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông kết nối chia sẻ dữ liệu quản lý GPLX và cập nhật dữ liệu xử lý vi phạm của cảnh sát giao thông. Khi cảnh sát giao thông kiểm soát trên đường có thể tra cứu vào phần mềm bất cứ lúc nào để biết ngay được lái xe có GPLX thật hay giả, nơi cấp, thời gian cấp, hạng GPLX. Ngược lại, cơ quan cấp GPLX qua phần mềm cũng biết được tình trạng GPLX, bao nhiêu lần bị cảnh sát giao thông tạm giữ, bị xử lý vi phạm khi cấp lại GPLX.
Theo quy định của pháp luật đối với những hành vi vi phạm này, người vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, cụ thể: Tại điểm g, khoản 3, Điều 37 - Nghị định 100/2019/NĐ-CP, quy định: Phạt tiền từ 03 triệu đến 05 triệu đồng đối với cá nhân khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được học, kiểm tra, sát hạch mới, cấp lại giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.
Ngoài ra, theo khoản 14, điều 33, Thông tư 12/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định trong việc sử dụng và quản lý giấy phép lái xe: "Người tẩy xóa, làm sai lệch các thông tin trên giấy phép lái xe; sử dụng giấy phép lái xe đã khai báo mất để điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; có hành vi gian dối khác để được đổi, cấp lại, cấp mới giấy phép lái xe ngoài việc bị cơ quan quản lý giấy phép lái xe ra quyết định thu hồi giấy phép lái xe, hồ sơ gốc và cập nhật dữ liệu quản lý trên hệ thống giấy phép lái xe còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp giấy phép lái xe trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày phát hiện vi phạm, nếu có nhu cầu cấp lại giấy phép lái xe phải học và sát hạch như trường hợp cấp giấy phép lái xe lần đầu".