Lái xe gây tai nạn bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp nào?

NHẬT NAM
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015) quy định như sau:

Lai xe gay tai nan bi truy cuu trach nhiem hinh su trong truong hop nao? - Hinh anh 1
Ảnh minh hoạ 

Hỏi: Cháu tôi lái xe gây tai nạn cho người khác. Hậu quả của vụ va chạm gây thiệt hại về tài sản. Đáng nói, cháu tôi chưa có bằng lái. Vậy, cháu tôi có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

(Đặng Văn Thanh, huyện Ứng Hoà, Hà Nội)

Trả lời:

Về câu hỏi của bạn, xin trả lời như sau:

Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015) quy định như sau:

“1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%:


g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ 500 triệu đồng”.

Như vậy, theo quy định trên, người tham gia giao thông đường bộ vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại về tài sản cho người khác từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Đối chiếu với trường hợp bạn nêu, nếu lái xe không có giấy phép lái xe theo quy định, vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ và gây thiệt hại về tài sản cho người khác từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015).

Nếu người thân của bạn lái xe, không có giấy phép lái xe theo quy định, vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ và chỉ gây thiệt hại về tài sản cho người khác dưới 100 triệu đồng thì sẽ không đủ dấu hiệu cấu thành tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, do vậy, trong trường hợp này, bạn của bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Thực tế, việc gây tai nạn giao thông có thể gây ra những thiệt hại về người (sức khỏe, tính mạng) và tài sản. Việc bồi thường cho những thiệt hại nào được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, Bộ luật không đưa ra được số tiền cụ thể để yêu cầu bồi thường bởi lẽ thiệt hại xảy ra đối với mỗi trường hợp là khác nhau nên không thể ấn định một số tiền bồi thường được. Mặc dù vậy luật cũng đưa ra các khoản thiệt hại để giúp các bên có thể thuận lợi hơn khi bồi thường, theo đó: Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại. Thiệt hại khác do luật quy định.

Tin liên quan