Mạnh tay với lỗi không đội mũ bảo hiểm

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Một trong những giải pháp mang tính đột phá được đưa ra là xây dựng cơ chế trao đổi thông tin giữa cơ quan chức năng và cơ quan chủ quản của người vi phạm để nâng cao tính răn đe, giáo dục.

Manh tay voi loi khong doi mu bao hiem  - Hinh anh 1
Cảnh sát giao thông Hà Nội xử lý lái xe vi phạm trên phố Chùa Bộc. Ảnh: Phạm Hùng

Nhằm nâng cao hiệu quả của việc chấp hành các quy định về đội mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông, UBND TP Hà Nội vừa có chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tăng cường các biện pháp, giải pháp trong đó cần có những biện pháp xử phạt mạnh tay với những trường hợp vi phạm. Đây được coi là chế tài cần thiết và kịp thời để đảm bảo an toàn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông của Thủ đô.

Hàng nghìn trường hợp vi phạm

 Đầu tháng 3/2019, thực hiện Kế hoạch 61 của Ban Giám đốc CATP Hà Nội về tăng cường xử lý, trường hợp liên quan đến người cầm lái, ngồi trên xe máy không đội MBH, Trung đoàn Cảnh sát Cơ động đã triển khai thành lập các tổ công tác tiến hành tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm những trường hợp người điều khiển phương tiện mô tô, xe máy tham gia giao thông vi phạm quy định về đội MBH. Đợt ra quân bắt đầu từ ngày 11/3 và thời gian thực hiện từ 7 - 19 giờ hàng ngày, địa bàn triển khai là 12 quận nội thành và huyện Thanh Trì. Thời gian ra quân lần này kéo dài đến hết 31/12/2019. Tính đến ngày 17/3, sau gần một tuần đầu ra quân, lực lượng Cảnh sát Cơ động đã phát hiện và xử lý hơn 1.100 trường hợp vi phạm không đội MBH khi tham gia giao thông.

Đại úy Trần Tùng – Đại đội phó Đại đội 2 (thuộc Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Hà Nội) cho biết, để chuẩn bị cho đợt ra quân xử lý vi phạm không đội MBH lần này, đơn vị đã tiến hành khảo sát trước tại nhiều tuyến đường nhằm phục vụ công tác đầu tranh, xử lý người vi phạm. Riêng Đại đội 2 nơi Đại úy Trần Tùng chỉ huy được giao nhiệm vụ hoạt động chính tại địa bàn hai quận Hoàng Mai và Hai Bà Trưng. Toàn đơn vị chia ra làm 3 ca, trong đó ca 1 từ 7 - 11 giờ, ca 2 từ 11 - 15 giờ và ca 3 từ 15 - 19 giờ hàng ngày.

Đối với những trường hợp vi phạm là cán bộ, công chức các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội thuộc TP Hà Nội, ngoài việc lập biên bản xử lý theo quy định, lực lượng làm nhiệm vụ phải ghi đầy đủ thông tin về nơi công tác, chức vụ để báo cáo xử lý. Với các trường hợp vi phạm là học sinh các trường học trên địa bàn TP, các đơn vị lập danh sách thông báo Sở GD&ĐT để có biện pháp phối hợp, xử lý tại nhà trường.

Vẫn còn  nhiều trường hợp vị phạm là cán bộ, công chức 

 Trung tướng Đoàn Duy Khương – Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, vẫn còn tình trạng người tham gia giao thông vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT, trong đó nổi bật nhất vẫn là tình trạng người điều khiển xe mô tô, gắn máy không đội MBH khi tham gia giao thông. “Đối tượng vi phạm chủ yếu là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên… Cá biệt còn có cả những trường hợp là cán bộ, công chức thuộc các sở, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thủ đô” – Trung tướng Đoàn Duy Khương nói và đưa ra nhận định, những vi phạm về đội MBH khi tham gia giao thông còn diễn ra phổ biến và diễn biến phức tạp. 

Giám đốc CATP Hà Nội cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là sự phối kết hợp giữa các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức xã hội, chính trị trên địa bàn Thủ đô với các lực lượng CATP trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về trật tự, ATGT còn hạn chế. Ngoài ra chưa có cơ chế thông tin trao đổi và phối hợp giáo dục, quản lý giữa cơ quan xử lý vi phạm với cơ quan chủ quản của người vi phạm. Thậm chí, chế tài xử lý vi phạm đối với người vi phạm hiện nay vẫn được coi là thấp.

Nhằm tăng cường các biện pháp, giải pháp nâng cao hiệu quả việc chấp hành các quy định về đội MBH khi tham gia giao thông trên địa bàn Thủ đô, CATP Hà Nội đưa ra đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép các lực lượng chức năng của CATP sau khi kiểm tra, xử lý, xác định người vi phạm là cán bộ, công chức hiện đang công tác tại các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội thuộc TP Hà Nội sẽ trao đổi thông tin đến thủ trưởng các đơn vị chủ quản để có hình thức phê bình, kiểm điểm nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giáo dục, quản lý và phòng ngừa tình trạng tái vi phạm. Nhiều chuyên gia giao thông đánh giá, đề xuất của CATP Hà Nội là ý tưởng tốt, sẽ góp phần nâng cao tính răn đe và giáo dục đối với người vi phạm không đội MBH khi tham gia giao thông.

Ngày 18/3, UBND TP Hà Nội có Văn bản số 1069/UBND-ĐT về việc tăng cường các biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc chấp hành các quy định về đội MBH khi tham gia giao thông. Văn bản gửi tới các sở, ngành của TP, CATP Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã và nhiều cơ quan, đơn vị của Thủ đô, UBND TP Hà Nội đồng ý với đề xuất của CATP Hà Nội về việc trong quá trình kiểm tra, xử lý, xác định người vi phạm là cán bộ, công chức hiện đang công tác tại các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội thuộc TP Hà Nội sẽ trao đổi thông tin đến thủ trưởng các đơn vị chủ quản để có hình thức phê bình, kiểm điểm theo quy định của pháp luật.

Quý Nguyễn/Kinhtedothi.vn

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h