|
Đăng kiểm định kỳ xe ô tô tại một trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội |
Cục Đăng kiểm VN cho biết, đến tháng 11/2019 toàn quốc có 195 trung tâm đăng kiểm xe ô tô tham gia giao thông. Trong đó, tập trung nhiều nhất là tại Hà Nội (25 trung tâm) và TP.HCM (gần 20 đơn vị).
Hiện cũng không còn quy định về quy hoạch số lượng trung tâm đăng kiểm theo địa phương. Điều này đồng nghĩa với việc không hạn chế thành lập trung tâm đăng kiểm.
Tuy nhiên, đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết, dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, do đó, để được cấp phép trung tâm đăng kiểm, nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện riêng của ngành nghề này về pháp lý, tài chính, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực...
Cụ thể, theo Nghị định 139/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, tổ chức kinh doanh trung tâm đăng kiểm phải không độc lập với đơn vị, cá nhân kinh doanh vận tải xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe. Trường hợp đơn vị vận bảo, sửa chữa xe góp vốn chở được tối đa 10% của doanh nghiệp đăng kiểm.
Doanh nghiệp đầu tư được chủ động lựa chọn địa điểm xây dựng trung tâm đăng kiểm. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của công trình xây dựng (đất, giấy phép xây dựng, giấy phép kinh doanh) và xây dựng nhà xưởng kiểm định, lắp đặt thiết bị kiểm định, bố trí các khu vực chức năng phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm xe cơ giới (QCVN 103:2019/BGTVT). Đồng thời, tổ chức bộ máy nhân lực đáp ứng tiêu chuẩn, trình độ theo quy định tại Nghị định 139/2018.
“Chủ đầu tư không cần lập dự án đầu tư trình cơ quan quản lý phê duyệt. Trước khi xây dựng, chủ đầu tư chỉ cần thông báo tới Cục Đăng kiểm VN về việc xây dựng, sau khi xây dựng xong đề nghị kiểm tra, đánh giá năng lực cơ sở vật chất và nhân lực. Các điều kiện trên phù hợp với quy định là được cấp giấy chứng nhận hoạt động đăng kiểm”, đại diện Cục Đăng kiểm VN thông tin.
Cục Đăng kiểm VN cũng cho biết, nội dung quy chuẩn quốc gia về đơn vị đăng kiểm quốc gia quy định chi tiết các điều kiện vật chất phục vụ dịch vụ kiểm định xe cơ giới, tương ứng với quy mô số lượng dây chuyền kiểm định. Việc tổ chức bộ máy tại một đơn vị cũng được quy định rõ trình độ nhân lực làm công tác quản lý trung tâm, ký cấp giấy chứng nhận đăng kiểm, phụ trách dây chuyền, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ.
“Trong quá trình hoạt động, trung tâm đăng kiểm vi phạm điều kiện hoạt động nào sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định 139/2018, trường hợp vi phạm nặng nhất là thu hồi giấy chứng nhận hoạt động đăng kiểm”, đại diện Cục Đăng kiểm VN thông tin.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện một số chủ đầu tư cho biết, điều kiện và thủ tục quan trọng nhất trong đầu tư trung tâm đăng kiểm hiện nay là mặt bằng và giấy phép xây dựng.
"Sau khi có mặt bằng, chỉ cần căn cứ vào quy chuẩn trung tâm đăng kiểm để xin giấy phép xây dựng nhà xưởng; xây dựng và lắp đặt, bố trí thiết bị kiểm định theo quy chuẩn là đạt yêu cầu về cơ sở vật chất để hoạt động đăng kiểm. Sau khi được Cục Đăng kiểm VN cấp phép hoạt động, trung tâm cần làm văn bản gửi Sở GTVT địa phương để thông báo hoạt động và chịu sự quản lý theo thẩm quyền", lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội cho biết.