Theo Cục Cảnh sát giao thông, Thông tư có một số điểm mới, đáng lưu ý như sau:
1. Dự thảo thông tư quy định chỉ tiêu thống kê, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu về TNGT trên cả ba lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Do Thông tư số 58/2009/TT-BCA(C11) hiện nay chỉ quy định về lĩnh vực đường bộ, còn các chỉ tiêu thống kê, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu về TNGT đường sắt và đường thủy nội địa chưa có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể, vì vậy cần phải quy định bổ sung thêm hai lĩnh vực này để tổ chức thực hiện thống nhất trên cả ba lĩnh vực.
2. Thông tư quy định bổ sung phần giải thích từ ngữ về TNGT, người chết, người mất tích, người bị thương, tài sản bị thiệt hại trong vụ TNGT để các đơn vị, địa phương dễ tổ chức thực hiện đồng thời phù hợp với quy định của một số nước trong khu vực và trên thế giới, cũng như khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Đặc biệt là việc xác định khoảng thời gian người bị thương do vụ TNGT gây ra, sau đó bị chết trong vòng 30 ngày kể từ ngày xảy ra vụ TNGT. Quy định này hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới và thông báo của Liên Hiệp Quốc hiện đã có 175 quốc gia trên thế giới áp dụng. Bộ Y tế cũng đã đồng ý với cách tính người chết do TNGT như Bộ Công an dự thảo trong thông tư.
3. Thông tư quy định bổ sung phân loại TNGT theo hậu quả thiệt hại về người và tài sản nhưng theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên tính mạng con người là hàng đầu sau đó mới đến tài sản, cụ thể, gồm: Loại 1: Vụ tai nạn giao thông có từ ba người chết trở lên. Loại 2: Vụ tai nạn giao thông có hai người chết. Loại 3: Vụ tai nạn giao thông có một người chết. Loại 4: Vụ tai nạn giao thông không có người chết, có người mất tích. Loại 5: Vụ tai nạn giao thông không có người chết, không có người mất tích, có người bị thương. Loại 6: Vụ tai nạn giao thông chỉ có thiệt hại về tài sản.
Theo cách phân loại này đầu tiên phải là hậu quả thiệt hại có người chết (chết trên 03 người, chết 02 người, chết 01 người), thứ hai đến người mất tích, thứ ba đến người bị thương và cuối cùng chỉ có thiệt hại tài sản, không có thiệt hại về người. Cách phân loại TNGT này sẽ bao quát tất cả các vụ TNGT đã xảy ra, thuận lợi cho công tác thống kê, tổng hợp về TNGT.
4. Ngoài ra, Thông tư cũng quy định rõ về chỉ tiêu thống kê, tổng hợp TNGT cấp Quốc gia (số vụ, số người chết và bị thương) và chỉ tiêu thống kê, tổng hợp TNGT theo công tác bảo đảm TTATGT của lực lượng Công an nhân.
5. Trong lĩnh vực giao thông đường bộ, ngoài việc kế thừa các nhóm chỉ tiêu như: tuyến đường, phương tiện, người điều khiển phương tiện, người đi bộ, người bị nạn, hình thức đâm va và nguyên nhân; còn quy định bổ sung thêm nhóm chỉ tiêu hệ số an toàn giao thông đường bộ, tính theo sự gia tăng của TNGT (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với 100.000 người dân và 10.000 phương tiện cơ giới đường bộ.
Nếu theo như hiện nay chúng ta đang so sánh đơn thuần số vụ TNGT, số người chết, số người bị thương giữa khoảng thời gian sau so với khoảng thời gian trước liền kề hoặc so với khoảng thời gian cùng kỳ, thì hệ số an toàn giao thông đường bộ này còn phản ánh mức độ an toàn giao thông trong mối liên hệ với quy mô dân số và phương tiện giao thông, có thể dùng để so sánh giữa các tỉnh thành phố, giữa các quốc gia.
Tính từ năm 2016 đến 2020, số ô tô đăng ký tại cơ quan Công an đã tăng 1.720.866 xe (+ 58,69%), mô tô tăng 24.300.469 xe (+50,88%), dân số cũng tăng 3.243.162 người (94.444.200/97.687.362). Do vậy, hình thức so sánh theo hệ số an toàn này sát hợp hơn với thực tiễn tình hình TTATGT ở nước ta và phù hợp với khuyến nghị của của WHO, cũng như được 175 quốc gia trên thế giới đang áp dụng.