Theo số liệu thống kê tình trạng giao thông toàn cầu của INRIX Global Traffic Scorecard năm 2018, Boston hiện là thành phố tắc nghẽn nhất nước Mỹ và đứng thứ 8 trên toàn thế giới.
Ước tính năm 2018, trung bình mỗi người dân Boston mất 164 tiếng mắc kẹt trên xe và thiệt hại 2.291 đô la vì ùn tắc. Tắc nghẽn đã trở thành nỗi ám ảnh với người dân.
“Giao thông thực sự là một trở ngại đối với việc làm sao có thể đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu kịp thời. Có quá nhiều xe ô tô ở trên đường”.
Tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng khiến người dân Boston luôn phải tính đến “thời gian đệm”, tức là khoảng thời gian dôi ra để đề phòng sự cố giao thông.
|
Boston hiện là thành phố tắc nghẽn nhất nước Mỹ. |
Blythe Berents, sinh sống ở Đông Boston cho biết, hàng ngày cô phải đánh thức cô con gái 14 tuổi của mình lúc 5h30 sáng để có thể rời khỏi nhà lúc 6 giờ, như vậy, sẽ có đủ thời gian để đến trường và bắt đầu tiết học đầu tiên vào lúc 7h20.
Tuy nhiên, vào tháng 4 vừa qua, hai lần trong một tuần, ùn tắc đã khiến con gái cô bị muộn học. Nhà trường coi việc đi muộn là nghỉ không phép và điều đó có thể dẫn đến việc không đủ điều kiện để thi. Thế nhưng, giấc ngủ rất quan trọng, Blythe Berents không thể bắt con mình dậy từ 5h sáng và cũng không còn sự lựa chọn nào khác.
Bên cạnh đó, để đối phó với tình hình giao thông khó lường, một số nơi đã linh hoạt trong điều hành công việc.
Tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, bác sĩ Timothy Wilens, trưởng khoa Tâm thần học trẻ em và vị thành niên và đồng điều hành Trung tâm Điều trị cai nghiện, cho biết tình trạng giao thông đã khiến khoảng 20% bệnh nhân đến muộn.
Khoảng sáu tháng trước, tình hình trở nên rối loạn đến mức ông phải thay đổi cách vận hành bệnh viện. Hiện nay, nếu bệnh nhân hẹn 9 giờ sáng mà đến muộn 10 hoặc 15 phút, trong khi bệnh nhân hẹn 9h30 đã có mặt, thì ông sẽ thăm khám cho bệnh nhân 9h30 trước, thay vì khiến lịch trình của cả ngày bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, Nhật Bản phát động chiến dịch “Ngày làm việc từ xa” hay còn gọi là làm việc tại nhà nhằm giảm bớt tắc nghẽn trong thời gian nước này đăng cai Olympic 2020 và hướng tới thay đổi văn hóa làm việc.
Theo Bộ Nội vụ Nhật Bản, chiến dịch "Ngày làm việc từ xa" được khoảng 60.000 lao động tại hơn 900 công ty, tổ chức và các cơ quan, công sở hưởng ứng.
|
Nhật Bản phát động chiến dịch “Ngày làm việc từ xa” |
Một số người dân cho biết:
“Tôi không còn bận rộn vào mỗi sáng, chuẩn bị thật nhanh để tới chỗ làm nữa. Tôi có thể đưa con gái ra bến xe buýt sau đó thong thả quay trở về nhà để bắt đầu làm việc trên máy tính”.
“Tôi nghĩ cái lợi nhất của việc này đó là bạn không phải đi tới cơ quan, thời gian đó bạn có thể dành để ăn sáng cùng con”.
“Về nguyên tắc, việc này dựa trên sự tin tưởng và trách nhiệm mà chúng tôi dành cho các nhân viên nhưng có thời điểm chúng tôi vẫn tin rằng chúng tôi cần đưa ra những yêu cầu tối thiểu để quản lý nhân viên”.
Làm việc từ xa là hình thức làm việc phổ biến tại nhiều quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, theo đó người lao động có thể sử dụng các công cụ để làm việc từ xa, thậm chí từ quán cafe. Ngoài việc giảm bớt tắc nghẽn, hình thức này còn giúp nới lỏng hệ thống làm việc trong nước và cho phép người lao động linh hoạt hơn.
Còn tại Việt Nam, mới đây, đề xuất giờ làm việc trong các cơ quan hành chính trên cả nước sẽ bắt đầu từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 1 giờ (trừ bộ phận làm việc 24/24), được nêu trong dự thảo bộ luật Lao động sửa đổi, đang thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.
Ông Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, để quy định này không tác động xấu đến tình hình giao thông, nên tạo ra cơ chế linh hoạt cho người lao động ngay trong một đơn vị. Trên thực tế, giải pháp này đã được nhiều nước áp dụng.
“Ví dụ trong một văn phòng có 50 người thì có thể là hôm nay 20 người bắt đầu làm việc từ lúc 8 giờ, ngày hôm sau lại đảo lại là 20 người khác, có nghĩa là thời gian bắt đầu làm việc là cố định nhưng thời gian làm việc của từng cá nhân thì hoàn toàn có thể linh hoạt. Lúc đó chúng ta sẽ đạt được mục tiêu của mình đó là, có được sự đồng nhất trong cơ quan quản lý nhà nước nhưng chúng ta vẫn cho người dân sự linh hoạt để họ chủ động trong đi lại và điều đó sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông”.