|
Ảnh minh hoạ |
Tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông khi uống rượu, bia
Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 7.726 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, chiếm 35,1% tổng số vi phạm về trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Quý Mão. So với cùng thời gian Tết Nguyên đán Nhâm Dần, số lượng xử phạt tăng 6.620 trường hợp (tăng 598%).
Nhiều người cho rằng, chỉ uống một chút rượu, bia sẽ không thể gây ra tai nạn khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, những rối loạn chức năng của cơ thể xuất hiện ngay từ khi uống một lượng rất ít rượu, bia. Một người mới chỉ uống một ngụm rượu hoặc 1/4 lon bia thì đã bắt đầu có các rối loạn như: giảm các chức năng của não bộ trung tâm, tăng hưng phấn, thiếu kiềm chế, rối loạn điều chỉnh phối hợp động tác, động tác không nhất quán, từ đó ảnh hưởng đến kiểm soát tốc độ, duy trì hướng, phản xạ phanh… trong khi điều khiển phương tiện giao thông. Vì vậy, uống rượu, bia trước và trong khi lái xe làm tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Theo quy định tại Luật Phòng, chống tác hại rượu bia 2019, Luật này quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Khi quy định như vậy có thể thấy các nhà làm luật đã tính toán và căn cứ vào tình hình thực tế, số vụ tai nạn giao thông do vi phạm nồng độ cồn, đặc biệt Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về tỉ lệ nam giới trưởng thành sử dụng rượu, bia.
|
Luật sư Đinh Đức Duy |
Nếu uống rượu, bia thì không lái xe
Trao đổi với phóng viên Giaothonghanoi, luật sư Đinh Đức Duy - Văn phòng Luật sư Kết Nối cho hay, nếu như quy định cấm tuyệt đối như vậy được cho là quá khắc nghiệt, không khoa học, thì trước đây các quy định cũ cũng đã áp dụng với ngưỡng được cho phép là dưới 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở khi điều khiển xe tham gia giao thông, nhưng số vụ tai nạn vẫn cứ tăng. Các con số chỉ giảm, khi luật mới có hiệu lực, cấm tuyệt đối dưới mức này.
Do vậy, hiệu quả rõ rệt của quy định hiện hành là minh chứng cho thấy các quy định này phù hợp với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và nên được tiếp tục khi người Việt có thói quen không uống rượu, bia khi lái xe, nếu đã uống thì không lái xe. Chính vì vậy, nếu trong tương lai khi thói quen, văn hóa sinh hoạt, văn hóa giao thông của người dân thay đổi, pháp luật chắc chắn sẽ có sự thích ứng, điều chỉnh, linh hoạt với từng giai đoạn cụ thể.
Còn đối với các ý kiến cho rằng, trường hợp tài xế sử dụng thực phẩm lên men hoặc uống siro xuất hiện nồng độ cồn thì đương nhiên bị xử phạt để “nới lỏng” luật là hoàn toàn không đúng. Việc xử phạt chỉ khi tài xế sử dụng rượu, bia và không chỉ qua kết quả kiểm tra nồng độ cồn, lực lượng cảnh sát giao thông còn căn cứ vào các biểu hiện của người vi phạm như tình trạng tâm lý, diễn biến hành vi, lời nói, cử chỉ, sắc mặt và qua hơi thở khi nói chuyện hoặc xét nghiệm máu khi cần thiết thì mới có căn cứ xử lý vi phạm.
Việc triển khai Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia được tham khảo từ nhiều nước, trong đó có khoảng 20 quốc gia quy định cấm hành vi sử dụng rượu, bia khi lái xe, tức là quy định “nồng độ cồn bằng 0”. Nếu chúng ta không nghiêm, không thể thay đổi văn hóa uống rượu, bia. Càng dung túng có ngưỡng nồng độ cồn tối thiểu, người dân vẫn tiếp tục uống và như thế, tình hình tai nạn sẽ không thể giảm được. Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang |