Theo các chuyên gia y tế, nếu trẻ bị bỏ quên trên xe ô tô đóng kín cửa, không bật điều hòa thì chỉ trong thời gian rất ngắn, trẻ sẽ bị thiếu oxy, dẫn tới hôn mê và tử vong.
Qua nghiên cứu khoa học cho thấy, người trưởng thành sẽ tiêu thụ khoảng 11lit không khí/phút. Với trẻ em phổi chưa phát triển nhưng nhịp thở lại cao hơn người lớn nên lượng không khí tiêu thụ ít hơn không đáng kể.
Ví dụ, tính từ 8giờ sáng đến 16giờ chiều (giờ vào lớp đến giờ trường thông báo cho gia đình là không tìm thấy cháu bé) là 8giờx60= 480p x 10lit = 4800lit. Đây là số lít không khí tiêu chuẩn đủ hàm lượng oxy ~ 21%. Thể tích xe Ford Transit khoảng 5x2x2=20m3 khí. Nhưng theo các chuyên gia, nguy hiểm là do cứ mỗi phút hít vào thở ra thì nồng độ oxy trong xe đóng kín sẽ giảm và nồng độ khí CO và CO2 tăng lên (xe đóng kín không nổ máy, sẽ không có sự lưu thông không khí với bên ngoài). Khi nồng độ oxy giảm xuống dưới 15%, nồng độ CO2 tăng lên >5%, việc cơ thể chịu đựng được để duy trì sự sống chỉ còn tính bằng phút. Với phi công vũ trụ thì ngưỡng này nằm ở khoảng 11% oxy.
Do đó, trời nóng làm không khí loãng ra không nguy hiểm bằng việc tăng nhiệt độ cơ thể. Khi trời mát, nồng độ oxy giảm vẫn theo cách tính trên cho dù nhiệt độ cơ thể không tăng. Chưa tính đến các yếu tố thể trạng, sự hoảng loạn dẫn đến cơ thể mất kiểm soát nên sẽ đốt oxy nhiều hơn bình thường.
Còn kỹ sư ô tô Nguyễn Văn Quyết cho rằng, nếu trẻ bị bỏ quên trên xe ô tô đóng kín cửa, không bật điều hòa thì chỉ trong thời gian rất ngắn, trẻ sẽ bị thiếu oxy, dẫn tới hôn mê và tử vong. Theo ông Quyết, việc đóng kín cửa rất dễ khiến trẻ đang ngủ trong xe bị thiếu khí oxy, dẫn đến hôn mê, thậm chí là tử vong. Bởi không gian bên trong một chiếc xe rất chật hẹp, nếu đóng kín các cửa, nó giống như một cái hộp đựng không khí với thể tích rất nhỏ.
Với trẻ em, đặc biệt là khi đang ngủ, trẻ rơi vào trạng thái vô thức khiến khả năng phản ứng bằng không, dẫn tới tình trạng lịm dần và tử vong. Khi trẻ ngủ trong xe, trẻ hoàn toàn có thể bị ngạt do thiếu khí thở, hay nghiêm trọng hơn là ngộ độc khí xả.
Một trong những nguyên nhân cũng có thể gây tử vong ở trẻ là do trẻ bị sốc nhiệt. Dù thời tiết nắng hay trời râm thì nhiệt độ ở trong xe ô tô kín bưng cũng luôn cao hơn nhiệt độ bên ngoài rất nhiều. Nếu nhiệt độ ngoài trời là 37 độ C thì chỉ sau 2 tiếng nhiệt độ ở trong xe sẽ tăng lên 50-55 độ C. Trẻ nhỏ ở trong ô tô đỗ dưới trời nắng quá lâu sẽ bị mệt mỏi, kiệt sức, say nóng và sốc nhiệt dẫn tới tử vong.
Nếu bị bỏ quên trên xe ô tô khi đang ngủ, thì chỉ sau một thời gian ngắn, vì khó thở, hoặc quá nóng trẻ sẽ tỉnh dậy. Trong người vô cùng mệt mỏi, lại thêm xung quanh không có ai, trong xe kín mít sẽ khiến trẻ cực kỳ sợ hãi, khóc, hét khiến sức khỏe của bé càng ngày yếu đi.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, các trường học làm nhiệm vụ đưa đón học sinh tới trường, lưu ý kiểm tra tất cả các ghế ngồi, sàn xe sau khi trả trẻ. Bởi có nhiều bé quen dậy muộn, chưa thích nghi với giờ đi học nên khi lên xe vẫn ngủ tiếp, tới khi đến giờ xuống xe thì không biết nên vẫn ngủ trên xe.
Cũng theo các chuyên gia, các bậc phụ huynh tuyệt đối không để trẻ ngủ trên xe, hoặc để chìa khóa xe ở nơi tầm với của trẻ khiến chúng tò mò, nghịch mở cửa xe chui vào trong xe khi người lớn không biết, sẽ gặp nguy hiểm.
Đặc biệt, các bậc phụ huynh nên trang bị thêm kỹ năng cho các con trong trường hợp như trên: Chỉ cho các em biết bấm còi xe ô tô. Trong mọi trường hợp, nếu bị mắc kẹt trên xe ô tô, khi khoá cửa, tắt máy, cứ bấm còi là còi sẽ kêu (vì hộp còi vẫn có điện). Hoặc thêm bấm nút bấm hình tam giác (đèn cảnh báo) cũng có tác dụng như ấn còi xe. Khi ấy sẽ có người nghe thấy và đến trợ giúp.