Nguyên nhân do sự chủ quan

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Chuyện một nữ tài xế gây tai nạn nghiêm trọng do quai giày cao gót vướng vào chân ga (theo tường trình của lái xe - PV) trở thành đề tài nóng trong dư luận mấy tuần nay.

Một số ý kiến cho rằng, Việt Nam cần sớm ban hành quy định cấm sử dụng giày cao gót khi điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng, đừng đổ lỗi cho giày cao gót, trách nhiệm lớn nhất thuộc về người điều khiển phương tiện.

Nguyen nhan do su chu quan - Hinh anh 1
Hiện trường vụ tai nạn nghiêm trọng tại ngã tư Hàng Xanh (TP Hồ Chí Minh).

Sai một li đi vài dặm

 Ngày 21/10, dư luận xôn xao về việc nữ tài xế điều khiển xe sang gây tai nạn liên hoàn tại ngã tư Hàng Xanh (TP Hồ Chí Minh) khiến một người chết và nhiều người bị thương. Điều khiến người dân bàng hoàng, lo lắng không chỉ từ mức độ nghiêm trọng của vụ tai nạn mà còn xuất phát từ nguyên nhân của vụ việc. Bởi, theo lời khai của nữ tài xế gây tai nạn, nguyên nhân chính gây ra vụ tai nạn trên là do… giày cao gót. Cụ thể, trong quá trình chuyển chân từ chân ga sang chân phanh, quai của chiếc giày cao gót mà nữ tài xế sử dụng đã vướng vào chân ga khiến chiếc xe lao nhanh về phía trước trong hoàn cảnh mất kiểm soát. 

Xung quanh vấn đề này, nhiều chuyên gia nhận định, TNGT là điều không ai muốn, nhưng khi xảy ra, các nguyên nhân của vụ việc sẽ được mổ xẻ một cách kỹ lưỡng để làm rõ. Tuy nhiên, nếu tạm bỏ qua các chi tiết khác, nhất là việc lái xe uống rượu khi tham giao thông thì đây là một lý do có căn cứ. Còn về việc lái xe đi giày cao gót thì sao? Có tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn?

Theo phân tích, khi tài xế nữ sử dụng giày cao gót sẽ để lại một khoảng trống giữa bàn chân với 2 bàn đạp khiến mất đi cảm nhận về không gian, dẫn đến nguy cơ đạp trượt phanh, thậm chí là đạp nhầm chân ga. Việc đạp phanh hay chân ga phụ thuộc rất nhiều vào lực của bàn chân, nhưng khi sử dụng giày cao gót thì việc phân bổ lực sẽ bị hạn chế, đó là chưa kể đến tình huống giày cao gót mắc lại ở thảm xe, hay kẹt luôn trong chân phanh, chân ga. Từ đó, người điều khiển phương tiện chỉ cần sơ xảy một chút, TNGT có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đặc biệt là khi xe đang chạy với tốc độ cao hoặc trong khu vực đông người.

Quan trọng là ý thức

 Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Thiếu tá Vũ Văn Hoài – Đội trưởng Đội Tuyên truyền và Giải quyết TNGT, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, hiện nay, không có điều luật nào nghiêm cấm người điều khiển phương tiện không được mang dép lê hay giày cao gót. Do đó, việc kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện sử dụng dép lê, giày cao gót khi tham gia giao thông là điều không thể. Cũng theo Thiếu tá Vũ Văn Hoài, để hạn chế tiềm ẩn nguy cơ gây ra TNGT, người lái xe ô tô nên chủ động lựa chọn loại giày vừa chân, thuận lợi cho việc điều khiển phương tiện để đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác.

Đồng quan điểm trên, một số chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, giày cao gót hay dép lê… suy cho cùng cũng chỉ là một vật dụng thông thường của con người, việc sử dụng giày, dép như thế nào khi tham gia giao thông phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, thói quen của mỗi người nên chỉ có thể khuyến cáo chứ khó có thể cấm. Bởi, so với các phương tiện khác, khi điều khiển xe ô tô chạy với tốc độ cao, người điều khiển phương tiện phải có những động tác dứt khoát, chính xác…, việc sử dụng các giày dép không phù hợp có thể gây ra những hậu quả khôn lường. 

Tại nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Canada… các cơ quan chức năng đã nghiêm cấm người dân sử dụng giày cao gót, chân trần, dép xỏ ngón… khi điều khiển xe ô tô. Thậm chí, tại Anh, nếu bị phát hiện sử dụng trang phục, giày dép không đúng quy định gây nguy hiểm trong quá trình tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện có thể bị phạt tối đa 5.000 bảng Anh (khoảng 150 triệu đồng) và trừ 9 điểm trên bằng lái (12 điểm), thậm chí là đình chỉ bằng, cấm lái xe.

Công Trình/Kinhtedothi.vn

Tin liên quan